Phát biểu trước ủy ban lập pháp, ông Yen cho biết Mỹ "sẵn sàng giúp chúng ta chế tạo tàu ngầm", đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hối thúc Mỹ bán 8 tàu ngầm cho Đài Loan cũng như mua thêm tàu ngầm của các nước khác.
Năm 2001, Mỹ đã đồng ý bán 8 tàu ngầm cho Đài Loan song nước này không còn chế tạo tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu phi hạt nhân nữa. Trong khi đó, những nước có khả năng chế tạo tàu ngầm thông thường lại do dự do ngại đụng chạm với Trung Quốc.
Đài Loan hiện có 2 tàu ngầm diesel do Hà Lan đóng, được mua từ những năm 1980. Ngoài ra còn có ít nhất 2 tàu ngầm từ thời thế chiến thứ hai để dành tập luyện.
Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP), cầm quyền từ năm 2000 - 2008, đã thông qua kế hoạch cho phép các công ty đóng tàu Đài Loan tự đóng tàu ngầm vào năm 2003. Tuy nhiên, kế hoạch không thành do bị đảng Dân tộc đối lập phản đối.
Cùng ngày 14-4, người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu đã tiếp bà Gina McCarthy, quan chức cấp chính phủ đầu tiên của Mỹ đến thăm hòn đảo trong vòng 14 năm qua. Ông Mã đánh giá chuyến thăm là "vô cùng quan trọng đối với quan hệ song phương”.
Bà McCarthy là cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Mỹ. Tuy là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Đài Loan song Mỹ ít khi có liên hệ chính thức với vùng lãnh thổ này.
Mới đây, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép bán 4 tàu khu trục cũ có trang bị tên lửa dẫn đường cho Đài Loan.
Trong khi ông Yen Ming nói Đài Loan chỉ cần 2 chiếc để thay thế tàu chiến cũ thì nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng mua tàu chiến 29 năm tuổi sẽ rất tốn kém trong khâu bảo dưỡng. Những người này muốn hải quân Đài Loan tự đóng tàu chiến và chế tạo tên lửa.
Bình luận (0)