Số vũ khí hóa học mà Washington nhận tiêu hủy là khoảng 500 tấn, thuộc loại nguy hiểm nhất không thể tiêu hủy bằng các lò thiêu thông thường cũng như không được phép đưa vào biên giới các nước.
Mỹ sẽ hỗ trợ Damascus về tài chính và công nghệ giúp trung hòa các loại hóa chất trên một con tàu ở ngoài biển Địa Trung Hải. Dự kiến vào ngày 31-12, vũ khí hóa học của Syria sẽ bắt đầu được loại bỏ bằng phương pháp thủy phân do phía Washington cung cấp.
Một binh lính Syria tham gia đóng gói vũ khí hóa học tại căn cứ quân sự Qafe Molle. Ảnh: Reuters
Đầu tiên, chất độc hóa học từ nhiều nơi ở Syria sẽ được đóng gói và vận chuyển tới Latakia – cảng biển lớn nhất tại nước này - rồi xếp xuống các con tàu thuộc sở hữu của tổ chức OPCW, sau đó mới bàn giao lại cho Washington. Đại diện trung gian Sigrid Kaag của Liên Hiệp Quốc và OPCW cho biết các loại vũ khí và hóa chất sẽ được tiêu hủy bên ngoài lãnh hải Syria.
Đối với khoảng 800 tấn vũ khí còn lại thuộc dạng ít nguy hiểm hơn, OPCW cho biết đã có khoảng 35 tập đoàn đặt vấn đề tham gia tiêu hủy. Hạn chót tiêu hủy cho 800 tấn này là ngày 5-2-2014, theo OPCW.
Trước đó, kế hoạch tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria ở lãnh thổ các nước khác đều bị từ chối vì không có quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận các chất nguy hại. Kế hoạch cụ thể về việc tiêu hủy kho vũ khí bên ngoài Syria, trên đất liền hoặc trên biển sẽ được thông qua vào ngày 17-12.
Trong một diễn biến có liên quan, Washington cho biết có nhiều người Mỹ đang tham gia vào cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria, làm dấy lên lo ngại họ có thể trở thành nguy cơ an ninh khi quay lại Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chưa thống kê được có bao nhiêu người Mỹ cầm súng chống lại chế độ Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, theo tổ chức tư vấn quốc phòng Anh HIS Jane's và một số chuyên gia tại London, số lượng này là vài chục người.
Bình luận (0)