Chính phủ Mỹ hôm 3-10 quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí áp đặt trong gần 4 thập kỷ qua với Việt Nam. Quyết định này được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc gặp ở thủ đô Washington hôm 2-10.
Theo báo The New York Times, bước đi trên cho thấy Mỹ mong muốn tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam, như lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh diễn ra sau đó cùng ngày.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
hôm 2-10. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại một cuộc họp báo, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Mỹ đã có những bước đi nhằm cho phép chuyển giao các trang thiết bị quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai”.
Theo bà Psaki, quyết định này sẽ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương được áp đặt từ sau chiến tranh Việt Nam và trước mắt chỉ phục vụ những mục đích liên quan đến an ninh hàng hải.
Tại một cuộc họp báo khác, các quan chức ngoại giao Mỹ nói thêm việc bán vũ khí cho Việt Nam sẽ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Theo họ, mục tiêu trước mắt là tập trung giúp Việt Nam tuần tra và phòng thủ ở biển Đông. Trong tương lai, Mỹ có thể bán cả tàu và vũ khí trên không, tùy theo nhu cầu của Việt Nam và mức độ cần thiết.
Một số nguồn tin cho hãng tin Reuters biết Mỹ có thể bán cho Việt Nam loại máy bay do thám P-3 Orion. Ngoài ra, theo báo Marine Corps Times, Việt Nam còn có thể mua những loại máy bay khác như P-8 của Boeing, A-29 Super Tucano… để tăng cường khả năng tuần tra hàng hải.
Trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái, Ngoại trưởng John Kerry thông báo Washington sẽ hỗ trợ 18 triệu USD để cung cấp cho Cảnh sát Biển nước chủ nhà 5 tàu tuần tra cao tốc.
Hãng tin Bloomberg nhận định bên cạnh việc bán vũ khí, Mỹ nên xem xét tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam như gia tăng các cuộc tập trận chung, chuyến thăm hải quân…
Thượng nghị sĩ John McCain lập tức hoan nghênh quyết định của chính phủ Mỹ. “Nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương vì mục tiêu bảo đảm an ninh hàng hải sẽ giúp thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng theo cách có lợi cho cả hai nước” - ông McCain khẳng định. Thượng nghị sĩ này vào tháng rồi đã đưa ra một nghị quyết kêu gọi nới lỏng cấm vận vũ khí với Việt Nam.
Dù Washington nhấn mạnh bước đi trên “không nhằm chống lại Trung Quốc” nhưng một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết chính những hành động khiêu khích đơn phương của Bắc Kinh ở khu vực khiến Mỹ phải tập trung nhiều hơn cho vấn đề an ninh biển.
“Đây là bước đầu tiên rất quan trọng và nó sẽ thúc đẩy sự hợp tác trong tương lai. Sự điều chỉnh chính sách này cho phép chúng tôi hỗ trợ Việt Nam phát triển khả năng tự vệ ở biển Đông” - một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters.
Phát biểu tại Trung tâm Asia Society hôm 24-9, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí là bước đi thông thường trong quá trình nối lại dần dần các mối liên kết giữa Mỹ và Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh mặc dù tranh chấp giữa Bắc Kinh và các nước khác về vấn đề biển Đông đang là điểm nóng trong khu vực nhưng ông bác bỏý kiến Mỹ chấm dứt cấm vận vũ khí với Việt Nam có thể chọc giận Trung Quốc.
Giải quyết hòa bình tranh chấp biển Đông
Trong cuộc hội đàm ngày 2-10 với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Mỹ linh hoạt với Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo với Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh. Ngoại trưởng Kerry khẳng định Mỹ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực; cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề chất độc da cam và bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; thúc đẩy thành lập Trường ĐH Fulbright tại Việt Nam.
Về biển Đông, hai ông cho rằng các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tránh các hành động làm leo thang tranh chấp và bất ổn, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
D.Ngọc
Bình luận (0)