Cách thức Triều Tiên xử lý cũng như thông tin về vụ việc này nhanh chóng và chi tiết một cách bất thường, càng khiến các nước trong khu vực lo lắng.
Tại Seoul, các quan chức an ninh cấp cao cùng các bộ trưởng vội vàng nhóm họp ngoài kế hoạch sáng 13-12 để bàn luận về vụ xử tử ông Jang cùng những hệ lụy có thể kéo theo.
Ông Jang bị còng tay tại tòa. Ảnh: SCMP
Một số nhà phân tích cho rằng vụ thanh trừng là dấu hiệu chứng tỏ quyền lực của ông Kim Jong-un ngày càng vững vàng. Nhưng kèm theo đó, Hàn Quốc lo sợ sự ra đi của nhân vật đứng sau cải cách kinh tế của láng giềng sẽ dẫn đến sự mất ổn định nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng có thể tính toán sai lầm hoặc tấn công Seoul.
Nhà Trắng cho biết chưa thể xác nhận thông tin ông Jang bị hành quyết song “không có lý do gì để nghi ngờ” công bố của hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA).
Ông Patrick Ventrell, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nói: “Nếu tin này là đúng, đây là một ví dụ nữa về sự tàn bạo của chính quyền Triều Tiên. Chúng tôi đang theo dõi các diễn biến ở Triều Tiên một cách chặt chẽ và tham vấn các đồng minh cũng như đối tác trong khu vực”.
Trong cuộc gặp năm 2012, nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) khen ngợi đóng góp
của ông Jang trong quan hệ song phương. Ảnh: Tân Hoa Xã
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng đã đăng tải về vụ hành quyết ông Jang. Ông này được xem là cầu nối giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh. Ông Jang từng tháp tùng cố Chủ tịch Kim Jong-il sang Trung Quốc 3 lần vào năm 2010 và 2011, đồng thời đứng đầu Ủy ban Dự án chung và Đầu tư với nhiệm vụ thu hút vốn nước ngoài – chủ yếu từ Trung Quốc.
Trước khi vụ hành hình xảy ra, một số nhà phân tích cho rằng ông Jang bị thanh trừng khiến Trung Quốc mất đầu mối quan trọng tại Triều Tiên song Bắc Kinh cũng hài lòng vì có thể ông Kim Jong-un sẽ củng cố sự ổn định trong nước.
Theo truyền thông Hàn Quốc, trong hai năm nắm quyền, ông Kim Jong-un đã loại 5 trong 7 “nguyên lão” dưới thời cha mình. “Những nhân vật là trung gian của Trung Quốc trong giới lãnh đạo cấp cao Triều Tiên đã biến mất. Hiện giờ, ai sẽ là người trung gian giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng?” - ông Jingdong Yuan, giáo sư chuyên về chính sách quốc phòng và đối ngoại của Trung Quốc thuộc Đại học Sydney (Úc), đặt câu hỏi. Tuy nhiên, theo ông Yuan, trên một phương diện khác, “nếu ông Kim Jong-un có thể củng cố quyền lực, ít ra mọi chuyện sẽ rõ ràng. Sự bất ổn là điều Trung Quốc không muốn thấy”.
Dù vậy, sự cố này sẽ ảnh hưởng tới quan hệ Trung-Triều cũng như các dự án hợp tác giữa 2 bên. Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất và là nước cung cấp viện trợ quan trọng cho Triều Tiên. Bắc Kinh đã bán cho Bình Nhưỡng gần 450.000 tấn dầu trong 10 tháng đầu năm nay, theo số liệu hải quan.
Ông Jang bị "phù phép" biến mất khỏi các tấm hình trước đây
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 12-12 cảnh báo vụ phế truất ông Jang Song-thaek có thể báo trước một giai đoạn thay đổi cực đoan tương đương với Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc.
Đồng quan điểm, ông Victor Cha – cựu cố vấn về châu Á của Nhà Trắng – cho hay ông nhận thấy nhiều dấu hiệu sóng gió trong hệ thống quyền lực Triều Tiên. “Gạt bỏ Jang không đơn giản là gạt bỏ một người bởi kéo theo đó là hàng chục, thậm chí hàng trăm, con người trong hệ thống” – ông Cha nhấn mạnh.
Bình luận (0)