Quốc hội Iran hôm 7-1 thông qua đạo luật xem tất cả lực lượng Mỹ tham gia vụ không kích giết Thiếu tướng Qassem Soleimani là khủng bố. Theo dự luật, tất cả lực lượng quân sự Mỹ và nhân viên của Lầu Năm Góc cùng các tổ chức, mật vụ, tư lệnh liên quan và những người đã ra lệnh giết tướng Soleimani đều bị xem là khủng bố.
Theo một trong những điều khoản của dự luật, chính phủ Iran cũng thống nhất cấp thêm 200 triệu euro (hơn 223 triệu USD) cho lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC).
Trong những giờ căng thẳng sau vụ bắn chết tướng Soleimani, người đứng đầu lực lượng Quds, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei xuất hiện tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia để thảo luận về các phương án trả đũa Mỹ. Ba nguồn thạo tin hôm 6-1 cho tờ New York Times (Mỹ) hay tại cuộc họp, lãnh tụ tối cao Iran tuyên bố bất kỳ hành động báo thù nào cũng phải là đòn tấn công trực tiếp và cân xứng nhằm vào lợi ích Mỹ do chính các lực lượng Iran thực hiện một cách công khai.
Đây có thể là sự thay đổi đáng kể trong chính sách của giới lãnh đạo Iran. Từ khi Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập vào năm 1979, Tehran gần như luôn ủy nhiệm cho các nhóm dân quân thực hiện cuộc tấn công trong khu vực.
Trong khi thời gian, địa điểm và hình thức trả thù đang được giới chức Iran cân nhắc thì các nhà phân tích cho rằng Tehran có thể báo thù nhắm vào các mục tiêu quân đội Mỹ ở nước láng giềng như Syria, Iraq, các căn cứ của Mỹ ở vịnh Ba Tư hoặc các đại sứ quán, nhà ngoại giao Mỹ trên thế giới.
Diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang khi Mỹ từ chối cấp thị thực cho Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đến New York để tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 9-1 tới đây.
Theo thỏa thuận từ năm 1947, Mỹ cần phải tạo điều kiện cho các nhà ngoại giao nước ngoài tiếp cận trụ sở của Liên Hiệp Quốc nhưng Washington cho rằng họ có thể từ chối cấp thị thực vì các lý do liên quan đến vấn đề an ninh, chủ nghĩa khủng bố và chính sách ngoại giao. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng sẽ có bài phát biểu vào ngày 13-1 tới, trong đó tiết lộ chính sách của chính phủ Mỹ về Iran sau vụ sát hại tướng Soleimani.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cùng các quan chức lãnh đạo cầu nguyện trước linh cữu của tướng Soleimani hôm 6-1 tại Tehran Ảnh: Reuters
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 6-1 tuyên bố Washington chưa có kế hoạch rút quân khỏi Iraq. Ông Esper nói thêm rằng Mỹ vẫn cam kết chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq cùng với đồng minh và đối tác.
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ. Hôm 7-1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho hay khoảng 30 binh sĩ Đức đồn trú ở Baghdad và Taji sẽ được đưa về Jordan và Kuwait và hoạt động rút quân sẽ bắt đầu ngay lập tức.
Trong bối cảnh Mỹ và Iran liên tục có cuộc đấu khẩu nảy lửa, các đồng minh của Washington ở Trung Đông lại im lặng bất thường. Phản ứng thận trọng của các quốc gia Trung Đông cho thấy nhiều nước lo ngại bị kéo vào vòng xoáy bạo lực khi Iran có thể quay sang nhắm mục tiêu vào các đồng minh của Mỹ trong khu vực để trả thù cho cái chết của tướng Soleimani.
Thêm vào đó, ảnh hưởng đan xen của Mỹ và Iran tại Trung Đông khiến việc đánh giá mối đe dọa từ đòn báo thù của Tehran gặp nhiều khó khăn. Mỹ duy trì quan hệ chặt chẽ với Israel cũng như nhiều quốc gia như Ai Cập, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Trong khi đó, nhờ nỗ lực của tướng Soleimani trong nhiều thập kỷ, Iran đã xây dựng quan hệ gần gũi với chính phủ Syria và nhiều nhóm vũ trang ở Gaza, Lebanon, Iraq, Yemen. Nhiều nhóm trong số này nằm rất gần các đồng minh Mỹ cũng như căn cứ Mỹ tại Syria và Iraq.
Lễ chôn cất tướng Soleimani tại quê nhà Kerman của ông đã bị hoãn vì số lượng người đưa đám quá đông sau khi 40 người chết và 213 người bị thương do giẫm đạp lên nhau trong ngày 7-1.
EU gây sức ép lên Iran về thỏa thuận hạt nhân
Các đối tác châu Âu tham gia ký kế thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi năm 2015 có thể xúc tiến một quá trình giải quyết tranh chấp trong tuần này. Một bước đi như thế, nếu có, sẽ dẫn đến khả năng khôi phục các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Tehran.
Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết thông tin trên hôm 6-1 sau khi Tehran tuyên bố giảm bớt hơn nữa các cam kết đối với thỏa thuận có tên là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nói trên. Cụ thể, nước này sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn nào được đặt ra trong thỏa thuận về hoạt động làm giàu urani nhưng vẫn tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). Quyết định này được đưa ra sau khi Mỹ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Nguồn tin trên xác nhận các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp khẩn trong ngày 10-1 để chuẩn bị đáp trả những vi phạm thỏa thuận hạt nhân của Iran. Một nhà ngoại giao châu Âu khác cho biết sự mập mờ trong những tuyên bố của Iran càng cho thấy sự cần thiết phải kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp bởi mục đích của nó chính là tìm giải pháp cho những bất đồng và khác biệt.
Theo Reuters, bất kỳ nước nào tham gia JCPOA cho rằng một nước khác không tuân thủ các cam kết có thể đưa vấn đề này ra một ủy ban chung (gồm Iran, Nga, Trung Quốc và EU). Ủy ban này có 15 ngày để giải quyết bất đồng và quá trình này có thể được gia hạn nếu có sự đồng thuận của tất cả bên liên quan. Giới ngoại giao cho biết trừ khi Tehran có những vi phạm vượt ngưỡng không thể chấp nhận, châu Âu sẽ tập trung gia hạn quá trình này hơn là thúc đẩy nối lại trừng phạt. Trước mắt, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 6-1 nhấn mạnh Iran phải tuân thủ JCPOA, đồng thời kêu gọi Tehran cứu vãn văn kiện này.
Phương Võ
Bình luận (0)