Vị thủ tướng cao tuổi nhất thế giới (94 tuổi) khẳng định cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào sân bay quốc tế Baghdad, làm tướng Iran thiệt mạng ngày 3-1 là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. "Tôi chỉ nói sự thật. Anh làm trái, tôi nghĩ tôi có quyền tiếng" – ông Mahathir nói. Động thái tiêu diệt tướng tình báo cấp cao của Iran làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad Ảnh: REUTERS
Ông Mahathir cho rằng sự kiện đó cũng có thể dẫn đến sự leo thang chủ nghĩa khủng bố. "Đây là lúc các nước Hồi giao nắm tay nhau. Bây giờ chúng tôi không còn an toàn nữa. Nếu bất cứ ai xúc phạm hoặc nói điều gì mà ai đó không thích, thì người đến từ một nước khác đó có lẽ sẽ triển khai máy bay không người lái. Thậm chí, có lẽ đã bắn cả tôi" – ông Mahathir nói với các phóng viên.
Ngày 7-1, khoảng 50 người bao gồm cả phụ nữ đeo khăn burqa - tấm màn che truyền thống của phụ nữ Hồi giáo giúp họ che kín cơ thể từ đầu đến chân ngoại trừ đôi mắt - đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Iran ở thủ đô Malaysia, hô vang khẩu hiệu chỉ trích Mỹ.
Một người phụ nữ cầm bức ảnh của tướng Iran Qassem Soleimani đứng bên ngoài đại sứ quán Iran ở Kuala Lumpur ngày 7-1. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Mahathir cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông này. Ước tính có 10.000 người Iran sống ở Malaysia.
Hồi tháng 12-2019, ông Mahathir, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng lãnh đạo và đại diện cấp cao của khoảng 20 quốc gia Hồi giáo trên thế giới đã tập trung tại Malaysia để tham dự Hội nghị thượng đỉnh bàn về các vấn đề của người Hồi giáo trên toàn cầu, trong đó có việc thúc đẩy kinh doanh, giao dịch bằng các loại tiền tệ khác nhau và theo kịp các quốc gia không theo đạo Hồi.
Những tháng gần đây, ông Mahathir gây nên căng thẳng ngoại giao khi lên tiếng về các vấn đề liên quan đến thế giới Hồi giáo, theo hãng tin Reuters. Cụ thể, ông Mahathir chỉ trích đạo luật công dân ở Ấn Độ.
Luật này cho phép người Ấn độ giáo, Cơ đốc giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo khác sinh sống bất hợp pháp ở Ấn Độ trở thành công dân, nếu họ có thể chứng minh được họ bị bức hại vì tôn giáo của họ ở những nước mà đa số là người Hồi giáo như Bangladesh, Pakistan và Afghanistan. Luật không áp dụng với người Hồi giáo.
Bình luận (0)