Trong bài diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 24-9 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump trình bày chính sách cứng rắn của mình đối với Iran.
"Chúng tôi tạo rất nhiều áp lực đối với họ, nhiều áp lực hơn họ từng gánh chịu. Rất nhiều điều sẽ xảy ra liên quan đến Iran..." - ông chủ Nhà Trắng xác nhận với báo giới. Ông nói bóng gió về các biện pháp mới trong chiến dịch của Mỹ nhằm chấm dứt các chương trình công nghệ hạt nhân của Iran và để kiềm chế sức mạnh của nước này ở Trung Đông nói chung.
Trong tuần qua, ông Trump đã siết chặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran và ra lệnh đưa thêm quân tới Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất trong một chương trình hỗ trợ cho các đồng minh chủ chốt trong khu vực đang căng thẳng. Theo hãng tin Reuters, ông đã thể hiện sự kiềm chế trong việc sử dụng lực lượng quân sự trả đũa Iran sau các vụ tấn công cơ sở dầu mỏ Ả Rập Saudi, chống lại áp lực từ những nhân vật diều hâu bảo thủ - những người tin rằng Iran phải bị trừng phạt.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani gặp gỡ bên lề Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 23-9 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố thông điệp của đất nước ông gửi thế giới tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc là "hòa bình và ổn định". "Chúng tôi muốn nói với thế giới rằng tình hình ở vịnh Ba Tư rất nhạy cảm" - nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh sau khi Anh, Pháp và Đức cùng đổ lỗi cho Tehran về các vụ tấn công Ả Rập Saudi hôm 14-9.
Các nhà lãnh đạo Vương quốc Anh, Pháp và Đức đã đưa ra tuyên bố chung tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà Mỹ đã rút ra, đồng thời yêu cầu Iran ngừng hành động vi phạm. Họ cam kết sẽ cố gắng giảm bớt căng thẳng ở Trung Đông và kêu gọi Iran "kiềm chế sự lựa chọn khiêu khích và leo thang".
Đã có rất nhiều suy đoán về một cuộc gặp mặt giữa 2 ông Trump và Rouhani nhưng hiện chưa có gì chắc chắn về sự kiện này. Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei từng tuyên bố Iran sẽ không bao giờ tổ chức các cuộc đàm phán tay đôi như vậy nhưng có thể tham gia vào các cuộc thảo luận đa phương nếu Washington trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Theo hãng tin Ấn Độ Asian News International, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã đưa ra triển vọng về một thỏa thuận hạt nhân mới với Mỹ, qua đó Mỹ dỡ bỏ vĩnh viễn các biện pháp trừng phạt để đổi lấy quá trình phi hạt nhân hóa vĩnh viễn của Tehran. "Iran sẽ chuẩn bị ký một nghị định thư bổ sung, cho phép kiểm tra các cơ sở hạt nhân của nước này sớm hơn so với quy định trong thỏa thuận năm 2015. Lãnh đạo tối cao của đất nước, Ali Khamenei, cũng sẽ đưa ra lệnh cấm vũ khí hạt nhân theo luật" - ông Zarif nói với phóng viên đài CNN. Ngoài ra, ông Zarif cho biết ý định gặp gỡ các bộ trưởng của cả 5 quốc gia còn lại trong thỏa thuận hạt nhân vào ngày 25-9.
Bình luận (0)