Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 3-1 cam kết "trả thù tàn khốc" sau khi Mỹ không kích đoạt mạng Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
"Tất cả kẻ thù cần biết rằng con đường thánh chiến của người Hồi giáo sẽ tiếp tục với động lực gấp đôi và một chiến thắng chắc chắn đang chờ đợi những chiến binh trên con đường này" - ông Khamenei khẳng định, đồng thời tuyên bố quốc tang trong 3 ngày để tưởng nhớ Thiếu tướng Soleimani, được xem là "kiến trúc sư" của phần lớn chính sách Iran tại Trung Đông.
Trong khi đó, thủ lĩnh Hezbollah, ông Sayyed Hassan Nasrallah, tuyên bố phong trào này sẽ tiếp tục đi theo con đường mà Thiếu tướng Soleimani đã lựa chọn. Gọi cuộc không kích của Mỹ là "tội ác nghiêm trọng", ông Nasrallah khẳng định "trừng phạt là trách nhiệm của mọi chiến binh thánh chiến".
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cam kết “trả thù tàn khốc” sau khi Mỹ đoạt mạng Thiếu tướng Qassem Soleimani Ảnh: REUTERS
Trước đó cùng ngày, Lầu Năm Góc trong một tuyên bố xác nhận Tổng thống Donald Trump ra lệnh không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad - Iraq, "để bảo vệ công dân Mỹ ở nước ngoài bằng cách đoạt mạng Thiếu tướng Soleimani".
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định họ lấy mạng Thiếu tướng Soleimani vì ông là người "tích cực lên kế hoạch tấn công nhân viên ngoại giao và quân nhân Mỹ tại Iraq nói riêng và Trung Ðông nói chung". Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Soleimani là người phê chuẩn các cuộc tấn công nhằm vào Ðại sứ quán Mỹ ở Baghdad hồi đầu tuần này.
Theo Sputnik, cuộc không kích của Mỹ khiến tổng cộng 10 người thiệt mạng, trong đó có ông Abu Mahdi al-Muhandis, Chỉ huy phó của Lực lượng Huy động Nhân dân Iraq (PMF).
Hãng tin AP nhận định cái chết của Thiếu tướng Soleimani và ông al-Muhandis có thể là bước ngoặt mới trên bàn cờ chính trị Trung Đông, đánh dấu một sự chuyển biến đáng chú ý của chính sách Mỹ đối với Iran sau nhiều tháng căng thẳng, từ "duy trì sức ép tối đa" bằng lệnh trừng phạt kinh tế chuyển sang đáp trả quân sự. Cuộc không kích nhằm vào Thiếu tướng Soleimani còn cho thấy Tổng thống Donald Trump ngày càng tự tin trong việc sử dụng sức mạnh quân sự.
"Đợt không kích này không đơn thuần là một cú đấm khiến Iran "chảy máu mũi". Nó là một hành động phô diễn sức mạnh quân sự, một hành vi khiêu khích công khai có thể châm ngòi cho một cuộc chiến khác ở Trung Ðông" - chuyên gia phân tích Stephen Innes, Công ty AxiTrader (Úc), khẳng định.
Tuy nhiên, theo CNN, đợt không kích hôm 2-1 đã làm dấy lên những phản ứng trái chiều, khiến Quốc hội Mỹ chia rẽ. Trong khi phe Cộng hòa ca ngợi quân đội Mỹ và Tổng thống Donald Trump vì tiến hành "sứ mệnh thành công, loại bỏ một phần tử khủng bố nguy hiểm" thì phe Dân chủ gọi cuộc không kích này là một nước đi sai lầm, có thể khiến Mỹ sa lầy trực tiếp vào một cuộc chiến ở Trung Đông với "những hậu quả khó lường".
Trong khi đó, nhiều nhà lập pháp đặt câu hỏi liệu Tổng thống Donald Trump có nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội trước khi ra lệnh không kích hay không.
"Thiếu tướng Soleimani là kẻ thù của Mỹ. Điều này không cần bàn cãi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là - theo nhiều nguồn tin - phải chăng Mỹ vừa đoạt mạng nhân vật quyền lực thứ hai của Iran khi chưa được Quốc hội cho phép, dù biết rằng hành động này có thể châm ngòi một cuộc chiến khốc liệt trong khu vực?" - Thượng nghị sĩ Chris Murphy viết trên mạng xã hội Twitter.
Israel lo lắng, các thị trường biến động
Lực lượng an ninh Israel hôm 3-1 được đặt trong tình trạng báo động cao sau vụ tướng Iran Qassem Soleimani thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennett đã tổ chức một cuộc họp với các quan chức an ninh và quân sự hàng đầu để bàn về những thách thức tiềm tàng sau diễn biến gây căng thẳng này. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết định cắt ngắn chuyến thăm Hy Lạp và trở về nước sớm. Israel có lý do để lo ngại bởi nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố cái chết của tướng Soleimani sẽ chỉ làm tăng động lực chống Mỹ và Israel của Tehran.
Cùng ngày, giá dầu có lúc tăng hơn 4% sau khi thông tin về số phận của tướng Soleimani làm gia tăng nỗi lo về nguy cơ bùng phát xung đột tại khu vực giàu dầu thô này. Theo đài CNN, giới phân tích cảnh báo vụ việc có thể khiến leo thang căng thẳng ở khu vực và ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu. Chưa hết, sự lao dốc của quan hệ Mỹ - Iran thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản đầu tư an toàn, từ đó khiến giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng. "Các nhà đầu tư đang lo ngại rằng tình hình sẽ thêm tồi tệ bởi có thể xảy ra hành động trả đũa sau vụ tấn công của Mỹ" - ông Steven Leung, Giám đốc Công ty UOB Kay Hian (Hong Kong) Ltd., nhận định.
Căng thẳng địa - chính trị ở Trung Đông đã tác động tiêu cực đến các thị trường chứng khoán ở châu Á. Theo Reuters, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (trừ Nhật Bản) từng tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 15-6-2018 ở thời điểm đầu phiên giao dịch nhưng sụt giảm sau khi có thông tin về vụ không kích. Chỉ số này giảm 0,18% khi phiên giao dịch kết thúc. Chuyên gia Tapas Strickland của Ngân hàng Quốc gia Úc cho rằng những diễn biến sắp tới sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Iran trả đũa như thế nào.
Hoàng Phương
Bình luận (0)