Trong lúc xuất hiện nghi vấn hệ thống phòng thủ tên lửa quanh các căn cứ trên bị tịt ngòi thì một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với đài CNN rằng: "Mỹ không hề có ý định đánh chặn số tên lửa này".
Phía Mỹ không vội công bố thiệt hại (nếu có) mà chỉ cho biết sẽ đánh giá đầy đủ tình hình. Một quan chức quân đội Mỹ khác hé lộ binh lính đã được cảnh báo về các đợt tấn công của Iran và đủ thời gian trú ẩn an toàn. Theo đó, radar Mỹ phát hiện được các tên lửa đang bay tới nên kịp thời báo động.
Một thông tin khác đến từ nguồn tin của tạp chí Forbes, rằng hệ thống pháo phòng thủ tự động Centurion Gatling của Mỹ đã "phun ra một cơn bão lửa", khiến một số tên lửa Iran có vẻ đã nổ tung giữa trời.
Các mảnh vỡ của tên lửa Iran trên một cánh đồng gần Erbil hôm 8-1. Ảnh: REUTERS
Không chỉ Mỹ phát hiện trước vụ tấn công, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cũng nhận được thông báo từ chính Iran. "Không lâu sau nửa đêm 7-1, chúng tôi nhận được tin nhắn từ Iran rằng họ đã bắt đầu hoặc sắp đáp trả vụ sát hại tướng Qassem Soleimani" – phát ngôn viên của ông Mahdi cho biết.
Reuters dẫn thông cáo của người phát ngôn cho hay Tehran nói với ông Mahdi rằng họ chỉ nhắm vào các địa điểm có quân Mỹ hiện diện song không nêu cụ thể nơi nào. Ngay giữa lúc tên lửa Iran lao xuống khu vực Mỹ đóng quân ở căn cứ không quân al-Asad thuộc tỉnh Anbar và căn cứ Erbil, thủ tướng Iraq tiếp tục nhận được cuộc gọi từ phía Mỹ.
Cũng theo người phát ngôn, không có báo cáo thương vong từ cả quân đội Iraq lẫn liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Iran chỉ trả đũa đến thế?
Trong ngày 8-1, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đánh tiếng rằng vụ tấn công bằng tên lửa có thể là dấu chấm hết cho hành động trả thù.
Thị trường cổ phiếu ở Ả Rập Saudi ngày 8-1. Ảnh: REUTERS
Ông này viết trên Twitter: "Iran đã áp dụng các biện pháp tự vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hiếp Quốc. Chúng tôi nhắm vào căn cứ đã diễn ra vụ tấn công đối với công dân và quan chức cấp cao của Iran". Căn cứ al-Asad là nơi xuất kích của nhiều vụ tấn công bằng máy bay không người lái Mỹ.
"Chúng tôi không có ý định leo thang hay gây chiến nhưng sẽ tự vệ trước bất kỳ hành động gây hấn nào" – ông viết tiếp.
Dù vậy, ông Zarif thường xuyên bị các nhân vật thân cận với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran phản đối nên chưa rõ tuyên bố của ông có giá trị đến đâu.
Đỉnh điểm xung đột sẽ mở ra lối thoát?
AP nhận định vụ tấn công ngày 8-1 là đòn trực diện nhất mà Iran tung ra với Mỹ kể từ vụ bắt giữ con tin trong đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979.
Tuy nhiên, theo Reuters, nếu phía Mỹ không dính thương vong và Iran không trả đũa thêm nữa, đây lại có thể là một cơ hội để Washington và Tehran tìm được lối thoát khỏi tình trạng đối đầu bạo lực hiện nay.
Các chuyên gia đồng tình rằng dù mạnh miệng nhưng Iran không muốn xung đột quân sự với một nước trên cơ là Mỹ. Trong quá khứ, Iran chỉ tập trung vào các cuộc đột kích phi đối xứng, như sử dụng các lực lượng ủy nhiệm.
Bình luận (0)