Theo báo Financial Times (Anh) hôm 10-7, Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch tăng cường hiện diện trên biển Đông như điều tàu hải quân đến gần các khu vực tranh chấp để “trông chừng” Trung Quốc.
Chiến lược mới của Mỹ
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 9-7 thẳng thừng chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong các tranh chấp trên biển Đông. Trong bài phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) lần thứ 6 tại Bắc Kinh, ông Kerry yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật biển quốc tế và nhấn mạnh: “Cố tình tạo ra hiện trạng mới (ở biển Đông và Hoa Đông) bất chấp phải đánh đổi bằng ổn định trong khu vực là không thể chấp nhận”.
Ngoại trưởng Mỹ đồng thời kêu gọi Bắc Kinh hợp tác trong việc lập Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với ASEAN. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Ngoại trưởng Kerry khẳng định trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì rằng: “Không quốc gia nào có quyền hành động đơn phương để đòi hỏi chủ quyền hay lợi ích”.
Ba tàu khu trục Mỹ cùng tuần tra tại khu vực Hạm đội 7 trên biển Đông hôm 7-7
Ảnh: Navy.mil
Ngoài sức ép về ngoại giao, Mỹ còn đang phát triển các chiến thuật quân sự mới ở biển Đông, trong đó có tích cực sử dụng máy bay do thám và các hoạt động hải quân gần các khu vực tranh chấp, kết hợp với công bố hình ảnh, video ghi lại những hành động hung hăng quấy rối của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines. Các quan chức Mỹ tin rằng những chiến thuật này sẽ khiến Trung Quốc hãm bớt âm mưu bành trướng.
Tăng cường hiện diện ở biển Đông
Trang web của hải quân Mỹ vừa đăng hình ảnh 3 tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đang cùng tuần tra tại khu vực của Hạm đội 7 trên biển Đông.
Báo The Washington Post (Mỹ) dẫn lời cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Christopher Johnson khẳng định: “Bắc Kinh sai lầm nếu đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ châu Á của Washington… Nếu Trung Quốc ép quá mức, Mỹ sẽ triển khai lực lượng”.
Hãng tin AP cũng nhận định chính Trung Quốc đã đặt cả khu vực trong tình trạng báo động và thúc đẩy nhiều nước châu Á tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ. Những hành động bắt nạt láng giềng của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với mô tả của Chủ tịch Tập Cận Bình về một “con sư tử Trung Quốc ôn hòa, thân thiện và văn minh”.
Trong bước đi gây căng thẳng mới, giới chức tỉnh Hải Nam vừa ngang nhiên tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động khảo cổ trái phép từ quanh quần đảo Hoàng Sa xuống quần đảo Trường Sa (đều của Việt Nam).
Nghiêm trọng hơn, trang World Affairs hôm 9-7 nhận định Trung Quốc đang liên tục mua tàu ngầm, tàu chiến, thủy lôi… để hiện thực hóa mộng bá quyền trên biển Đông. Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn hợp nhất tàu tuần tra ngư nghiệp, tàu chống buôn lậu, hải cảnh (CCG)… vào một cơ quan duy nhất là Tổng cục Hải dương quốc gia (SOA) để tận dụng lực lượng này đi gây rối.
Tiếng là tàu dân sự nhưng theo giáo sư James Holmes thuộc Trường ĐH Hải quân Mỹ, số tàu trên thực ra là bán quân sự. Dù vậy, World Affairs đánh giá năng lực hải quân của Trung Quốc còn lâu mới bằng Mỹ. Trung Quốc chỉ có 1 tàu sân bay còn Mỹ có đến 6. Mỹ hiện có 12 tàu tuần dương tên lửa ở Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc không có chiếc nào. Trung Quốc chỉ có 8 tàu khu trục tên lửa trong khu vực so với 29 tàu của Mỹ.
Cũng bức xúc trước những hành xử sai trái của Trung Quốc, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hôm 10-7 bất ngờ tuyên bố nước này sẽ đương đầu với Bắc Kinh để bảo vệ hòa bình, giá trị tự do và pháp luật. Cũng theo bà Bishop, cách thức tranh chấp ngày càng có chiều hướng bạo lực của Trung Quốc khiến Úc phải mở rộng quan hệ với Mỹ và các quốc gia khác, đặc biệt là Nhật Bản.
Bất đồng về thương mại, an ninh mạng
Các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bàn luận nhiều vấn đề kinh tế và thương mại nhạy cảm trong ngày thứ hai của S&ED hôm 10-7.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Washington và Bắc Kinh “đại diện cho các liên minh kinh tế, quan hệ đối tác thương mại lớn nhất lịch sử nhân loại”. Dù vậy, tại hội đàm, các công ty Mỹ phàn nàn một loạt vấn đề, trong đó có việc hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc, trộm cắp sở hữu trí tuệ và đồng nhân dân tệ vẫn thấp hơn giá trị thực. Ngoài kinh tế, Reuters dẫn lời Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì cho biết Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí tăng cường hợp tác chống khủng bố cũng như quân sự.
Trong một diễn biến khác, tờ The New York Times ngày 9-7 đưa tin các tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập mạng máy tính của Văn phòng Quản lý nhân sự Liên bang Mỹ hồi tháng 3, đánh cắp thông tin cá nhân của hàng chục ngàn nhân viên liên bang. Hiện nhà chức trách Mỹ đang điều tra vụ việc.
Huệ Bình
Nhật tái chiếm Senkaku hiệu quả hơn Mỹ
Phó Đô đốc Yoji Koda, một cựu tư lệnh hạm đội của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF), nhận định đặc nhiệm nước này tấn công đổ bộ để tái chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay Trung Quốc tốt hơn quân đội Mỹ.
Nhật hiện có các lực lượng đặc nhiệm hoạt động theo mô hình của quân đội Mỹ. Theo ông Koda, nếu Senkaku bị Trung Quốc đánh chiếm, Nhật sẽ phản công bất ngờ bằng tàu ngầm và tàu bán ngầm có người lái. Trang tin tức Want China Times (Đài Loan) hôm 10-7 cho biết JMSDF hiện có 3 tàu đổ bộ lớp Osumi được thiết kế đặc biệt cho các chiến dịch đổ bộ ở biển Hoa Đông và các tàu đệm khí đổ bộ mua của Mỹ. Thêm vào đó, Tokyo còn sở hữu các trực thăng tấn công AH-64 và trực thăng do thám OH-1, có thể yểm trợ trên không cho các lực lượng đổ bộ.
Trong khi đó, ông Lyushun Shen - một quan chức của Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Loan tại Mỹ - nhận định tranh chấp Senkaku có thể dẫn đến đụng độ lớn giữa Trung Quốc và Nhật Bản. “Một vụ va chạm nhỏ giữa tàu tuần tra hai bên có thể châm ngòi cho một cuộc đụng độ lớn” - ông Shen lo ngại.
Xuân Mai
Bình luận (0)