Người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ yêu cầu thay đổi nào chính thức từ các quan chức Philippines trong quan hệ hợp tác song phương”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này sẽ yêu cầu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte giải thích về tuyên bố “chia tách” khỏi Washington, đồng thời gọi phát biểu của ông Duterte là “khó hiểu” và mâu thuẫn với mối quan hệ gần gũi giữa hai nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi sẽ yêu cầu Tổng thống Duterte giải thích chính xác về ý nghĩa câu nói của ông khi tuyên bố chia tách khỏi Mỹ”.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte Ảnh: AP
Động thái của phía Mỹ tiếp sau khi Tổng thống Duterte tuyên bố tách khỏi Mỹ, nói rằng đã sắp xếp lại với Trung Quốc khi Bắc Kinh và Manila đồng ý giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua đàm phán.
Ông Duterte đề cập đến ý kiến ở Bắc Kinh, dẫn theo ít nhất 200 doanh nhân nhằm mở đường cho những gì ông gọi là một liên minh thương mại mới khi các mối quan hệ với đồng minh lâu năm Mỹ xấu đi.
Nỗ lực xoay trục về phía Trung Quốc của ông Duterte, nhất là nhiều tháng sau khi một tòa án ở The Hague (Hà Lan) phán quyết rằng Bắc Kinh không có quyền lịch sử đối với biển Đông, cho thấy một sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại kể từ khi ông này nhậm chức tổng thống vào ngày 30-6. Trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte, Bộ trưởng thương mại Philippines Ramon Lopez cho biết 13,5 tỉ USD sẽ được ký kết.
Một vài giờ sau phát biểu của Tổng thống Duterte, nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của ông nói rằng điều đó không có nghĩa là Philippines đã quay lưng lại với phương Tây trong bối cảnh hội nhập kinh tế châu Á “quá chậm chạp”.
“Chúng tôi sẽ duy trì quan hệ với phương Tây nhưng cũng mong muốn hội nhập mạnh mẽ hơn với các nước láng giềng” - Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez và Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia nhấn mạnh.
Bình luận (0)