Trong diễn biến có thể khiến cộng đồng quốc tế thêm đau đầu, Triều Tiên hôm 4-7 tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Vụ phóng thành công nhất
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát vụ phóng tên lửa Hwasong-14 nói trên vào sáng cùng ngày (giờ địa phương). Tên lửa đạt độ cao 2.802 km và bay được 933 km trong 39 phút trước khi đánh trúng một mục tiêu ở biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông). Cũng theo KCNA, Triều Tiên đã là một cường quốc hạt nhân và sở hữu loại ICBM có thể đánh trúng bất kỳ mục tiêu nào ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Giới chức Mỹ, Hàn Quốc và cả Nga đều nhận định tên lửa được phóng là loại tầm trung. Một nguồn tin quân sự ở Seoul tiết lộ tên lửa có lẽ đã đạt độ cao hơn 2.300 km - tầm cao nhất từng được ghi nhận trong một vụ thử của Bình Nhưỡng. Các chuyên gia cho biết nếu dựa vào con số được Triều Tiên công bố, tên lửa có thể bay đến 8.000 km nếu được phóng ở góc chuẩn thông thường.
Dù chưa kiểm chứng được những gì Bình Nhưỡng công bố nhưng giới phân tích vẫn đánh giá đây là vụ thử tên lửa thành công nhất từ trước đến nay của Triều Tiên. Bất kỳ tên lửa nào bay được hơn 5.500 km đều được xem là một ICBM.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết trong một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia rằng Seoul có tính đến khả năng tên lửa trên là ICBM khi phân tích vụ phóng. Bất chấp kết quả là gì, động thái mới nhất của Bình Nhưỡng có thể làm phức tạp hơn ý định cải thiện mối quan hệ liên Triều của ông Moon.
Trong dấu hiệu cho thấy sự kiên nhẫn của Seoul là có hạn, tổng thống Hàn Quốc thúc giục Triều Tiên chấm dứt ngay những hành động khiêu khích và cho biết ông không chắc Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt hậu quả gì nếu vượt qua "lằn ranh đỏ".
Hình ảnh về vụ phóng tên lửa Hwasong-14 được KCNA công bố ngày 4-7 Ảnh: REUTERS
Alaska trong tầm bắn?
Đài CNN nhận định thời điểm vụ phóng được tính toán để gây tác động chính trị tối đa. Nó diễn ra vài giờ trước khi Mỹ kỷ niệm ngày Quốc khánh, không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump điện đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên và trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức vào cuối tuần này.
Không có gì khó hiểu khi ông chủ Nhà Trắng nhanh chóng có phản ứng cứng rắn khi vừa chỉ trích vụ phóng vừa tiếp tục kêu gọi Trung Quốc gia tăng sức ép lên Triều Tiên. Bắc Kinh chưa có phản ứng trước lời kêu gọi của ông Donald Trump nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế.
Người phát ngôn bộ này nói thêm Bắc Kinh phản đối Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liên quan đến những vụ phóng tên lửa của nước này. Giới chức Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đối mặt các biện phát trừng phạt mạnh hơn nhiều nếu quả thật đã thử ICBM.
Bình Nhưỡng lâu nay vẫn phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn đến lục địa Mỹ - điều mà ông Donald Trump khẳng định sẽ không bao giờ xảy ra. Dù vậy, một số chuyên gia Mỹ cảnh báo tên lửa trong vụ thử mới nhất có tiềm năng vươn đến bất kỳ nơi nào ở bang Alaska, từ đó đe dọa làm gia tăng tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về cách thức kiềm chế Triều Tiên lúc này. Tổng thống Donald Trump dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi cả hai nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đặt cược vào việc Bắc Kinh sẽ gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng nhưng gần đây đánh giá nỗ lực của Trung Quốc đã thất bại. Bên cạnh đó, ông từng tuyên bố mọi lựa chọn đều được cân nhắc để đối phó Triều Tiên, bao gồm giải pháp quân sự. Vào tuần rồi, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng, Tướng H.R McMaster, tiếp tục nhấn mạnh vũ lực là một lựa chọn, bên cạnh tăng cường sức ép ngoại giao và kinh tế.
Giờ đây, bước tiến trong vụ thử tên lửa thứ 11 của Triều Tiên trong năm nay đặt ra câu hỏi về việc Washington sẵn sàng đi xa đến đâu trong chiến lược kiềm chế Bình Nhưỡng. "Vụ thử hôm nay càng thúc đẩy Washington có lập trường cứng rắn hơn và ép Bắc Kinh làm nhiều hơn" - bà Duyeon Kim, chuyên gia tại Diễn đài tương lai bán đảo Triều Tiên ở Hàn Quốc, nói với trang Bloomberg.
Dù vậy, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Liu Jieyi hôm 3-7 cảnh báo mọi chuyện có thể vượt tầm kiểm soát và dẫn đến hậu quả thảm khốc nếu căng thẳng liên quan đến Triều Tiên leo thang.
Nhà đầu tư lo lắng
Các thị trường chứng khoán khắp châu Á đồng loạt sụt giảm hôm 4-7 sau vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) sụt giảm 0,6%. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản và KOSPI của Hàn Quốc lần lượt giảm 0,1% và 0,6%. Theo hãng tin Reuters, cổ phiếu Hang Seng của Hồng Kông giảm mạnh nhất (1,6%). "Do lo ngại xung quanh vụ phóng tên lửa đạn đạo, sự sụt giảm trên thị trường Nhật Bản lan rộng sang những thị trường còn lại ở châu Á. Thông tin cho thấy tên lửa đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, từ đó gây lo ngại nhiều hơn so với những vụ thử trước đó" - bà Jingyi Pan, chiến lược gia thị trường của Công ty IG (Anh), nhận định.
Ở chiều ngược lại, giá vàng hôm 4-7 tăng lên sau khi những nhà đầu tư lo lắng về vụ thử tên lửa của Triều Tiên tìm đến "nơi trú ẩn an toàn" này. Theo trang MarketWatch, giá vàng giao tháng 8 tăng 0,4%, lên 1.223,8 USD/ounce sau khi giảm đến 1,9% một ngày trước đó. Giá trị đồng yen, được xem là một kênh đầu tư an toàn khác, cũng tăng so với đồng USD.
Xuân Mai
Bình luận (0)