xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ muốn áp sát Nga dễ hơn

LỤC SAN

"Nếu thực thi đề xuất khu vực Schengen quân sự, EU coi như đã nhượng chủ quyền châu Âu cho Lầu Năm Góc"

Mỹ và các đồng minh ở châu Âu cần thành lập "khu vực Schengen quân sự" thông qua các quy định đặc biệt về biên giới và vận tải, nhằm giúp các lực lượng NATO ngăn chặn quân đội Nga nhanh chóng hơn.

Cải thiện hợp tác quốc phòng

Đó là điều Trung tướng Ben Hodges, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, nhấn mạnh gần đây. Khi nói đến "khu vực Schengen quân sự", vị tướng Mỹ có ý nói đến khu vực Schengen ở châu Âu, nơi người dân và hàng hóa của 26 quốc gia tham gia có thể tự do qua lại biên giới mà không bị kiểm soát giấy tờ. "Liên minh này cần phải di chuyển lực lượng nhanh hơn Liên bang Nga nếu chúng ta muốn khả năng đánh chặn của mình đạt hiệu quả" - ông Hodges nói với AP.

"Khu vực Schengen quân sự" là một trong những ý tưởng được nêu lên tại cuộc họp kín của giới chức quân sự và chính sách quốc phòng ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 26-9. Mục tiêu của những ý tưởng này là tăng cường hợp tác lâu dài về quốc phòng giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) - theo tuần san quốc phòng Jane’s.

Trước đó, vào đầu tháng rồi, Bộ Quốc phòng Lithuania cũng kêu gọi các nước EU tham gia "dự án khu vực Schengen quân sự" với hy vọng việc di chuyển quân trong khu vực trở nên dễ dàng hơn. Theo đài RT, đề xuất này được đưa ra trùng với thời điểm NATO cáo buộc Nga và Belarus chuyển quân qua lại lãnh thổ các nước đồng minh để tập trận.

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Raimundas Karoblis khẳng định việc thực hiện dự án "khu vực Schengen quân sự" quan trọng đối với cả EU và NATO. Đồng thời, ông cho biết các nước Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Phần Lan và Estonia ủng hộ kế hoạch trên, trong đó có việc đơn giản hóa các thủ tục và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert cũng từng bàn đến "khu vực Schengen quân sự" trên lục địa châu Âu tại cuộc gặp ở Lầu Năm Góc hôm 15-8.

Mỹ muốn áp sát Nga dễ hơn - Ảnh 1.

Xe tăng Đức trong cuộc tập trận của NATO tại căn cứ Rukla, phía Tây Vilnius - Lithuania hôm 11-8-2017 Ảnh: AP

EU mất chủ quyền?

Theo pháp luật hiện hành, việc chuyển quân xuyên qua châu Âu phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, theo đó, thiết lập những hạn chế nhất định đối với những gì quân đội các nước có thể làm trong lúc tập trận. Lâu nay, Washington vẫn yêu cầu các đồng minh châu Âu nới lỏng quy định về biên giới để các đoàn xe quân sự dễ dàng di chuyển hơn.

Báo The New York Times hồi đầu tháng 8 tiết lộ Mỹ không hài lòng khi các đạo luật nghiêm ngặt của châu Âu yêu cầu các lực lượng quân sự Mỹ phải phối hợp từng bước một với nhà chức trách địa phương. Gần đây, lực lượng biên phòng Áo đã chặn một đoàn xe của quân đội Mỹ chở đạn dược từ Đức sang Romania trong suốt 3 ngày, xuất phát từ quy định hạn chế đoàn xe quân sự trong giai đoạn nhiều người đi lại vào mùa hè.

Một số chuyên gia, như bà Anna Wieslander, làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), tán thành ý tưởng trên khi cho rằng Mỹ cần "chuyển quân khắp châu Âu ở tốc độ nhanh hơn nữa bởi xung đột xảy ra rất nhanh". Trái lại, chuyên gia Alexander Khrolenko nói với hãng tin RIA Novosti rằng nếu thực thi đề xuất này, EU coi như đã nhượng lại chủ quyền châu Âu cho Lầu Năm Góc. Khi đó, các lực lượng NATO sẽ tiếp cận biên giới nước Nga mà không gặp trở ngại nào.

Ông Khrolenko cũng chỉ ra rằng phân nửa căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài hiện đặt ở châu Âu. Cụ thể, cựu lục địa này đang là nơi đóng quân của khoảng 80.000 binh sĩ Mỹ tại 350 căn cứ ở châu Âu, trong khi 40 căn cứ thuộc quyền sở hữu của Washington.

Theo đài Sputnik, biên giới các nước EU và hệ thống giao thông "thiếu hoàn thiện" của họ đang cản trở quá trình vận chuyển khí tài của Mỹ khắp châu Âu. Vì thế, theo ông Khrolenko, ông Hodges mong muốn các đồng minh bật đèn xanh để quân đội Mỹ một cách tự nguyện và không hạn chế. Chuyên gia Khrolenko cảnh báo khái niệm "khu vực Schengen quân sự" làm dấy lên nhiều mối quan ngại, đặc biệt là khi các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ cân nhắc những lợi hại của một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga. 

Ả Rập Saudi chuyển hướng?

Chuyến thăm Nga từ ngày 4 đến 7-10 của Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz được đánh giá là mang tính lịch sử bởi đây là lần đầu tiên sự kiện này diễn ra. Quan trọng hơn, theo Bloomberg, chuyến thăm nêu bật sự chuyển hướng chiến lược của Ả Rập Saudi khi Nga tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông theo sau quyết định can thiệp quân sự vào Syria của Tổng thống Vladimir Putin.

Tại cuộc gặp ở thủ đô Moscow ngày 5-10, Tổng thống Putin và Quốc vương Salman tập trung thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong một loạt lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế, đầu tư cho đến văn hóa, quân sự. Theo một số nguồn tin, hai nước dự kiến ký kết một số thỏa thuận lớn. Đáng chú ý, nhật báo Kommersant tiết lộ những đề xuất bán số vũ khí trị giá 3 tỉ USD của Nga cho Ả Rập Saudi, trong đó có thể có hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, sẽ được bàn thảo trong thời gian Quốc vương Salman có mặt ở Moscow. Bộ Công Thương Nga cho biết thêm Ả Rập Saudi đang dự định đầu tư vào hơn 25 dự án nông nghiệp và dầu khí ở nước này.

Một nội dung nghị sự đáng chú ý khác là số phận thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC. Ả Rập Saudi và Nga - hai nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - đang hưởng lợi sau khi thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 1-2017 này giúp giá dầu hồi phục phần nào. Tổng thống Putin hôm 4-10 cho biết Nga có thể đồng ý gia hạn thỏa thuận đến cuối năm tới nhưng sẽ đợi đến khi nó gần hết hạn (tháng 3-2018) mới đưa ra quyết định chính thức.

Ngoài ra, theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo còn bàn về tình hình Trung Đông và Bắc Phi, nhất là hai cuộc chiến Syria, Yemen đang phủ bóng quan hệ hai nước. Trong lúc Moscow ủng hộ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì Riyadh lại ủng hộ phe nổi dậy. Ngoài ra, Nga còn chỉ trích liên minh do Ả Rập Saudi đứng đầu vì chiến dịch không kích phiến quân Houthi ở Yemen từ năm 2015. Chưa hết, mối quan hệ gần gũi của Nga và Iran cũng khiến Ả Rập Saudi quan ngại bởi nước này xem Tehran là đối thủ chính trong khu vực.

Hoàng Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo