Tuyên bố trên được đưa ra trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Phần Lan vào tuần tới để tham dự cuộc họp của AC (bao gồm 8 quốc gia vùng Bắc Cực là Mỹ, Canada, Nga, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Iceland và Thụy Điển).
Khai mạc vào ngày 6-5 tại TP Rovaniemi, cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh xuất hiện lo ngại liên quan đến lợi ích thương mại gia tăng của Trung Quốc ở Bắc Cực.
Mặc dù không phải là một quốc gia vùng Bắc Cực, Trung Quốc tăng cường hoạt động tại khu vực này và trở thành quan sát viên của AC vào năm 2013. Điều này khiến các quốc gia vùng Bắc Cực lo ngại về mục tiêu chiến lược dài hạn của Bắc Kinh, bao gồm khả năng triển khai quân sự.
"Quan sát viên có những lợi ích, song chúng tôi biết chẳng hạn như Trung Quốc đôi khi mô tả họ là một "quốc gia gần vùng Bắc Cực". Không có khái niệm này trong từ điển của AC" – quan chức Mỹ giấu tên nói trên nhấn mạnh với Reuters hôm 2-5.
Ảnh chụp lãnh nguyên xung quanh mỏ lộ thiên Meadowbank ở vùng lãnh thổ Nunavut thuộc Canada. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia đầu tư lớn nhất vào hoạt động khai khoáng ở khu vực này. Trong khi đó, Nga cũng chi tiêu tiền, triển khai tên lửa, mở lại và xây dựng căn cứ mới ở đó.
Trong khi đó, báo cáo thường niên về lực lượng vũ trang Trung Quốc được Lầu Năm Góc công bố hôm 2-5 cảnh báo hoạt động gia tăng của Bắc Kinh ở Bắc Cực có thể mở lối cho kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự, bao gồm triển khai tàu ngầm nhằm ngăn chặn tấn công hạt nhân.
Báo cáo còn lưu ý rằng Đan Mạch bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc quan tâm đến Greenland, bao gồm đề xuất thiết lập trạm nghiên cứu, trạm vệ tinh mặt đất, cải tạo sân bay và mở rộng khai thác.
Lầu Năm Góc cho biết một trong những ưu tiên hàng đầu của quân đội Trung Quốc là hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm. Hải quân Trung Quốc vận hành 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân, 6 tàu ngầm tác chiến hạt nhân và 50 tàu ngầm tác chiến thông thường – báo cáo nêu rõ.
Bình luận (0)