Trong bài phỏng vấn đăng trên báo Nhật Nikkei, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ủng hộ Nhật Bản mở rộng vai trò của quân đội bằng việc cho phép trợ giúp đồng minh bị tấn công.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Nhật Bản nhằm đóng một vai trò chủ động hơn trong liên minh, trong đó có việc xem xét lại quyền phòng thủ tập thể”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel chụp ảnh cùng thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
tại căn cứ không quân Yokota, ngoại ô Tokyo ngày 5-4. Ảnh: REUTERS
Được đưa ra trước khi ông Hagel đến thăm Nhật ngày 5-4, bình luận này thể hiện sự ủng hộ rõ ràng nhất của Mỹ từ trước đến nay đối với nỗ lực củng cố quân đội của Nhật Bản trước một Trung Quốc ngày càng lấn tới.
Theo ông chủ Lầu Năm Góc, một trong những mục đích của chuyến thăm Tokyo là tái khẳng định cam kết của Mỹ về hiệp ước an ninh ký kết với Nhật. Dĩ nhiên, sau 2 ngày lưu lại Nhật, chặng dừng chân tiếp theo - Trung Quốc - sẽ không dễ dàng đối với ông Hagel.
Theo tờ The Wall Street Journal, bộ trưởng quốc phòng Mỹ dự kiến đàm phán với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh về an ninh mạng và những tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Hoa Đông. “Căng thẳng luôn luôn nguy hiểm bởi có thể dẫn đến leo thang. Leo thang lại châm ngòi xung đột” - ông Hagel nói.
Giữa lúc phải để mắt đến Trung Quốc, giới chức Nhật Bản cũng dè chừng Triều Tiên. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin chính phủ ngày 5-4 cho biết Tokyo đã lệnh cho một tàu khu trục tới vùng biển Nhật Bản để tiêu diệt bất kỳ tên lửa đạn đạo nào mà Triều Tiên phóng ra trong những tuần tới, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử 2 tên lửa tầm trung Rodong.
Nguồn tin của Reuters nói lệnh điều động có hiệu lực từ ngày 3 đến 25-4 và cho biết thêm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera khẳng định không triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho đến khi không còn lựa chọn nào khác.
Mệnh lệnh trên được ông Onodera ban hành hôm 3-4 nhưng tránh công bố rộng rãi vì lo ngại ảnh hưởng tới cuộc đàm phán mới giữa Tokyo và Bình Nhưỡng về vấn đề bắt cóc công dân Nhật trong quá khứ. Theo truyền thông quốc tế, cuộc đàm phán diễn ra tuần này đã kết thúc mà không đạt được tiến triển nào song hai bên nhất trí tiếp tục hội đàm.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng hôm 4-4 đổ lỗi cho Mỹ làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và cảnh báo Washington không nên vượt qua lằn ranh đỏ, tức thay đổi chế độ Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Ri Tong-il nói: “Triều Tiên khẳng định sẽ tiến hành một hình thức thử hạt nhân kiểu mới. Mọi người hãy chờ và xem!”. Ông này còn tố cáo Mỹ âm mưu thay đổi chế độ ở Triều Tiên bằng cách đổ lỗi cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un vi phạm nhân quyền.
Theo ông Ri, chính Mỹ đã ngăn chặn nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên bằng cách phớt lờ đề nghị của Bình Nhưỡng, mục đích là để duy trì lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực.
Bình luận (0)