Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố thông tin trên. Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản cũng nâng mức nắm giữ tài sản này thêm 12 tỉ USD trong tháng 11, tức lên mức 1.186 tỉ USD. Với các mức nắm giữ trên, Bắc Kinh và Tokyo hiện là hai chủ nợ lớn nhất của Washington.
Trong khi đó, số liệu do Bắc Kinh công bố hôm 16-1 cho thấy dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tính đến cuối tháng 12-2013 đạt mức kỷ lục 3.820 tỉ USD, cao hơn dự trữ ngoại hối của bất kỳ nước nào khác trên thế giới từ trước đến nay.
Các dòng vốn chảy vào cùng với hoạt động can thiệp nhằm hạn chế đà tăng giá của Nhân dân tệ, được cho là những nguyên nhân dẫn tới dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng mạnh. Hiện dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chiếm tới 1/3 tổng lượng dự trữ ngoại hối toàn cầu.
“Sự khác biệt lớn về lãi suất và tốc độ tăng giá đều đặn của Nhân dân tệ dẫn tới các dòng vốn lớn chảy vào Trung Quốc. Thực tế này giúp Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc tăng cường sự hội nhập tài chính và quốc tế hóa Nhân dân tệ” – chuyên gia kinh tế Vương Đào thuộc ngân hàng UBS AG tại Hồng Kông nhận định.
Theo chuyên gia Vương Đào, tốc độ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể chậm lại trong năm do việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm quy mô gói cứu trợ, khiến các dòng vốn ngoại chảy vào Trung Quốc ít hơn. Không chỉ vậy, khả năng Trung Quốc nới rộng biên độ tỉ giá và thắt chặt kiểm soát vốn cũng sẽ hạn chế việc các nhà đầu tư đổ vốn vào Trung Quốc để tìm kiếm lợi nhuận.
Sự gia tăng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trái ngược với những gì mà Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dị Cương phát biểu vào tháng 11-2013 rằng “Trung Quốc không còn ưu tiên cho việc tích lũy dự trữ ngoại hối”.
Bình luận (0)