Tuy không rõ còn bao nhiêu người Yazidi ở trên núi chưa được giải thoát nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố sẽ sớm công bố thông tin chi tiết.
Trước đó, Washington gửi một nhóm nghiên cứu và nhân viên hỗ trợ nhân đạo đến núi Sinjar ở miền bắc Iraq để đánh giá tình hình. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, số người Yazidi mắc kẹt ít hơn dự kiến và tình trạng của họ cũng không đáng lo ngại như đánh giá ban đầu. Lầu Năm Góc cho biết: “Dựa trên đánh giá này, ít có khả năng Mỹ sẽ thực hiện nhiệm vụ sơ tán”.
Trước đó, Nhà Trắng thông báo Mỹ không loại trừ khả năng sử dụng lực lượng trên bộ để giải cứu người Yazidi nhưng nhấn mạnh không điều động quân đội tham chiến. 130 nhân viên quân sự Mỹ đang có mặt tại thành phố Arbil, lãnh nhiệm vụ thiết lập hành lang an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc không vận nhằm đưa người Yazidi thoát khỏi núi Sinjar.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes khẳng định: “130 nhân viên kể trên sẽ không tham gia chiến đấu tại Iraq” và nói thêm: “Có nhiều cách để giúp người Yazidi thoát khỏi ngọn núi an toàn”. Cũng theo ông Rhodes, mục đích Mỹ điều nhân viên quân sự tới núi Sinjar nhằm làm việc với lực lượng người Kurd hoạt động trong khu vực và quân đội Iraq.
Khi IS tràn vào các thị trấn người Yazidi sinh sống, các chiến binh Kurd đã ra tay bảo vệ và giúp đỡ hàng ngàn người trốn thoát khỏi núi Sinjar, trước khi Mỹ can thiệp.
Hiện Mỹ, Anh, Úc, Canada và Pháp đang thả hàng cứu trợ gồm lương thực, nước uống và vật tư y tế xuống núi Sinjar. Lầu Năm Góc cũng xem xét khả năng dùng máy bay cánh quạt V-22 Osprey để vận chuyển người Yazidi ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, mỗi chiếc Osprey chỉ mang được vài chục người một lần cất cánh nên biện pháp này có vẻ ít hiệu quả.
Bình luận (0)