Thời điểm Tướng Dempsey đến Bắc Kinh cũng là lúc căng thẳng ở quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đột nhiên nóng trở lại.
Trong ngày 23-4, khi đội thuyền của các nhà hoạt động Nhật Bản tiến đến vùng biển quanh Senkaku thì Trung Quốc huy động đến 8 tàu hải giám theo dõi từ nhiều hướng. Tokyo không chịu thua, cũng duy trì sự có mặt của 13 tàu tuần duyên trong khu vực. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cùng ngày tuyên bố “sẵn sàng dùng vũ lực” nếu người Trung Quốc dám đổ bộ lên quần đảo.
Tướng Dempsey (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23-4. Ảnh: China Daily
Trước ông Dempsey, nhiều quan chức Mỹ - trong đó có Ngoại trưởng John Kerry – tuyên bố Washington không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp nhưng đều thẳng thắn tuyên bố quần đảo thuộc về quyền quản lý của Nhật và do đó sẽ được bảo vệ bởi hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.
Mới đây nhất, thông tin Nhật sẽ lần đầu tiên tập trận tái chiếm đảo ở Mỹ vào tháng 6 tới cũng khiến Trung Quốc không hài lòng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định “những áp lực nước ngoài” không thể làm Trung Quốc lung lay đối với việc bảo vệ lãnh thổ ở biển Hoa Đông. “Đối với bất cứ hành động gây hấn nào, chính phủ Trung Quốc sẽ đáp trả cương quyết” - bà Hoa cho biết trong cuộc họp báo hôm 24-4.
Cũng trong ngày 24-4, Tướng Dempsey cho biết thêm ông rời Trung Quốc với lời bảo đảm “cùng chia sẻ lo ngại về vấn đề Triều Tiên” của giới lãnh đạo Bắc Kinh. “Không giống với những thông tin cho hay họ không mấy quan tâm, tôi tin rằng họ rất chú ý đến việc duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên” – ông Dempsey trả lời các phóng viên. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ gửi thông điệp gì đến Bình Nhưỡng vẫn là điều bí mật.
Theo kế hoạch, ông Dempsey sẽ đến thăm Nhật ngày 25-4.
Bình luận (0)