Các quan chức này cho biết quân đội Syria đã nạp khí độc sarin vào các quả bom có thể được ném xuống từ hàng chục máy bay quân sự. Họ nhấn mạnh rằng cho đến giờ các quả bom sarin vẫn chưa được đưa lên máy bay chiến đấu và ông Assad chưa ra lệnh sử dụng chúng. Dù vậy, nếu điều này diễn ra thì các nước bên ngoài hầu như không có cơ hội ngăn chặn.
Phản ứng trước thông tin này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lặp lại cảnh báo của Mỹ rằng ông Assad sẽ vượt qua “ranh giới đỏ” nếu sử dụng vũ khí hóa học.
Trước đó, nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng và sự phản ứng tức thì của cộng đồng quốc tế nếu ông Assad làm điều này. Chính phủ Syria vào mùa hè này thừa nhận có vũ khí hóa học nhưng khẳng định sẽ chỉ dùng nó trong trường hợp bị lực lượng bên ngoài tấn công.
Quân đội Syria sẵn sàng dùng vũ khí hóa học chống lại dân mình? Ành: empowerednews.net
Sarin là một chất cực kỳ độc hại. Chỉ bằng một vụ tấn công sarin, lực lượng của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã sát hại 5.000 người Kurd ở thị trấn Halabja năm 1988. Liên Hiệp Quốc đã xem sarin là một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việc sản xuất và tàng trữ nó bị cấm theo Công ước vũ khí hóa học năm 1993.
Thông tin trên xuất hiện giữa lúc giao tranh đang gia tăng ở Syria, buộc Liên Hiệp Quốc rút hết nhân viên khỏi Damascus vì tình hình quá nguy hiểm. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm 5-12 khẳng định ông sẽ không tán thành bất kỳ thỏa thuận tị nạn nào dành cho ông Assad như là một cách để chấm dứt cuộc nội chiến đã làm ít nhất 40.000 người thiệt mạng.
Theo ông Ban Ki-moon, ông Assad phải chịu trách nhiệm vì những hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà chế độ ông đã gây ra đối với người dân.
Bình luận (0)