Sau khi rút khỏi INF, Washington đã thử nghiệm phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk. Đến ngày 23-8, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông sẽ không kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang nhưng cũng đã yêu cầu quân đội đánh giá và tìm ra các phương án đáp trả tương xứng.
Theo giới chuyên gia, dưới đây là những động thái mà Moscow có thể thực hiện để đối phó với mối đe dọa gia tăng.
Ông Viktor Murakhovsky, một nhà phân tích quân sự, khẳng định có nhiều hệ thống vũ khí từng bị giới hạn khả năng để phù hợp với quy định của INF – vốn cấm phát triển các tên lửa có tầm bắn 500 – 1.000 km (tầm ngắn) và 1.000 – 5.500 km (tầm trung).
"Hệ thống vũ khí Iskander hiện hành của Nga… bị giảm tầm bắn để phù hợp với INF. Cụ thể, tầm bắn của nó bị giảm xuống mức 480 km và hiện tại, khi không còn bị INF ràng buộc, các nhà phát triển vũ khí có thể khôi phục lại nền tảng công nghệ của họ" – ông Murakhovsky giải thích.
Các bệ phóng tên lửa Iskander được triển khai trong một cuộc tập trận. Ảnh: RT
Bên cạnh đó, ông Mikhail Khodarenok, một đại tá phòng không đã về hưu của Nga, khẳng định Moscow có thể tìm cách khôi phục các đơn vị tên lửa chiến lược từng bị giải tán theo yêu cầu của INF.
"Ví dụ như, nhiều lữ đoàn tên lửa tiền tuyến được trang bị tên lửa hành trình phóng từ mặt đất sẽ được triển khai… và giải pháp này sẽ không vượt quá ngân sách quốc phòng hiện tại" – ông Khodarenok khẳng định, đồng thời nói rằng đây là phương án "hiệu quả và ít tốn kém nhất".
Cũng theo chuyên gia quân sự này, Moscow có thể sớm tiến hành một vụ phóng tên lửa hành trình tương tự Tomahawk, nhiều khả năng là tên lửa Kalibr-NK vốn đã được sử dụng để tiêu diệt các phần tử khủng bố ở Syria.
Bên cạnh đó, "trong tương lai gần, Nga sẽ công bố một hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất thế hệ mới".
Một phương án khác có thể là hệ thống tên lửa Club, vốn bị giảm tầm bắn tương tự như Iskander vì quy định của INF - ông Murakhovsky nói thêm với RT.
Chưa hết, ông Murakhovsky khẳng định Moscow có thể kết hợp những hệ thống vũ khí hiện đại với những tên lửa "cổ điển" như cách từng làm để đối phó với việc Washington rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 2002.
Cụ thể, Nga đã phát triển tên lửa siêu thanh Avangard và gắn nó với UR-100, một tên lửa từ thời Liên Xô, để biến chúng thành hệ thống tác chiến đủ khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng không của Mỹ, kể cả Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Bình luận (0)