Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của quân đội Mỹ (DAPRA) đang có những phát minh được kỳ vọng sẽ giúp binh sĩ nước này đi trước đối phương một bước khi tham chiến.
Siêu binh sĩ
Một trong những phát minh đáng chú ý là loại balô phản lực có thể giúp binh sĩ chạy nhanh hơn ngoài chiến trường. Jason Kerestes, nghiên cứu sinh Trường ĐH bang Arizona cùng GS Tom Sugar, Phòng Thí nghiệm hợp nhất người và máy của trường, đang phát minh thiết bị mà họ gọi là “Airlegs” này cho Lầu Năm Góc.
“Về cơ bản, thiết bị giúp người đeo có cảm giác mạnh mẽ hơn bình thường. Nó giúp chân họ nâng cao hơn, từ đó chạy nhanh hơn” - Kerestes nói với đài CBS.
Thiết bị Airlegs được thử nghiệm. Ảnh: THEHIGHERLEARNING.COM
Sức mạnh của thiết bị đến từ một bình khí nén và các bộ cảm biến điện tử kẹp ở đầu gối, cung cấp lực đẩy liên tục cho phép người đeo tăng tốc độ di chuyển. Airlegs nằm trong dự án gọi tắt là 4MM với mục tiêu cuối cùng là giúp binh sĩ chạy dễ dàng 1,6 km trong 4 phút.
Vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu này nhưng nếu thành công, GS Sugar hình dung sự xuất hiện của một thế hệ “siêu binh sĩ” sẽ giúp Mỹ duy trì vị thế cường quốc quân sự.
4MM là một trong số hàng trăm dự án tại các trường đại học và doanh nghiệp khắp nước Mỹ đang nhận được tài trợ của DAPRA. Cơ quan này từng đóng vai trò quan trọng trong hàng trăm công nghệ, từ chi giả dành cho binh sĩ bị thương đến công nghệ tàng hình, hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
Một số ý tưởng điên rồ nhất của DARPA đến từ thiên nhiên, như dựa vào khả năng leo tường của tắc kè để tạo ra vật liệu hỗ trợ con người làm điều tương tự. Công nghệ này có thể sử dụng trong các sứ mệnh giải cứu con tin.
Vũ khí tự động
Ngoài robot, quân đội Mỹ còn đang tìm kiếm loại vũ khí có thể tự động tấn công kẻ thù trong kịch bản chiến tranh tương lai. Trong một cuộc thử nghiệm vào năm ngoái, một máy bay ném bom B-1 sau khi đi được nửa chặng đường dưới sự điều khiển của phi công đã cắt đứt liên lạc với trung tâm điều hành và tự quyết định mục tiêu tấn công mà không có sự giám sát của con người.
Những người ủng hộ cho rằng thế hệ vũ khí tự động tiên tiến sẽ vận hành với sự chính xác cao do dựa vào trí tuệ nhân tạo, bộ cảm biến để chọn mục tiêu tấn công và khai hỏa.
Tuy nhiên, việc sử dụng loại vũ khí mới này cũng gây ra không ít lo ngại. Những người chỉ trích sợ rằng khi vũ khí ngày càng thông minh hơn, con người sẽ càng gặp khó trong việc kiểm soát hoặc đối phó chúng. Trong nỗ lực trấn an dư luận, Lầu Năm Góc cho biết muốn phát triển những loại vũ khí tiên tiến này cần có sự phê chuẩn từ cấp cao. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng như vậy vẫn chưa đủ.
“Nỗi lo của chúng tôi nằm ở chỗ mục tiêu sẽ được xác định ra sao và quan trọng hơn, mục tiêu tấn công được quyết định bởi con người hay hệ thống vũ khí tự động?” - ông Peter Araso, nhà đồng sáng lập Ủy ban Kiểm soát vũ khí robot, nói với báo The New York Times.
Thách thức ngân sách
Những gì DAPRA đang làm cũng phù hợp với Sáng kiến phát minh sáng tạo về quốc phòng mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vừa công bố nhằm tìm kiếm những đột phá về quân sự. Theo ông Hagel, sáng kiến này sẽ nhắm đến những lĩnh vực như robot, hệ thống tự động, dữ liệu lớn, in 3 chiều... với hy vọng duy trì ưu thế quân sự trước các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc, Nga. Đối mặt tình trạng ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, ông Hagel cho biết Lầu Năm Góc sẽ tìm kiếm sự trợ giúp từ khu vực tư nhân cho sáng kiến này.
Bình luận (0)