Thông tin này được đưa ra 4 ngày sau khi Chính phủ Albania từ chối yêu cầu của Mỹ về việc cung cấp một nhà máy dùng làm nơi phá hủy vũ khí hóa học của Syria. Tiếp sau đó, Bỉ cũng lắc đầu.
Sự phản đối của những nước như Albania khiến khả năng tiêu hủy hơn 1.000 tấn nhiên liệu hóa học của Syria ngoài biển đang được xem xét. Một quan chức Mỹ hôm 19-11 cho biết: “Đang có những thảo luận về việc sẽ phá hủy chúng trên tàu. Điều duy nhất được biết đến vào thời điểm này là về mặt kỹ thuật, hoạt động đó có tính khả thi”. Xác nhận khả năng này nhưng quan chức của OPCW nhấn mạnh hiện chưa có quyết định nào được đưa ra.
Các chuyên gia vũ khí thanh sát một khu vực tình nghi bị tấn công bằng vũ khí hóa học gần Damascus.
Ảnh: REUTERS
Ông Trapp, chuyên gia giải trừ vũ khí hóa học độc lập cho biết: “Xét tới các điều kiện hiện nay, đó là một lựa chọn khả thi. Về mặt kỹ thuật có thể thực hiện được và trên thực tế, việc phá hủy ở quy mô nhỏ đã được tiến hành”.
Vài năm trước đây, Nhật Bản đã phá hủy hàng trăm quả bom hóa học tại một cơ sở ngoài khơi. Theo ông Trapp, việc xây dựng nhà máy xử lý trên một bệ nổi không khác gì mấy so với ở các đảo san hô tại Thái Bình Dương mà Mỹ dùng làm nơi phá hủy nhiều vũ khí hóa học của mình suốt những năm 1990.
Chuyên gia này cho biết kho vũ khí hóa học của Syria sẽ cần đến những xử lý phức tạp hơn nhiều so với các quả bom hóa học từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 mà Nhật Bản tìm thấy dưới đáy biển và phá hủy ngoài khơi cảng Kanda trong giai đoạn 2004 - 2006.
Bình luận (0)