Phát biểu trước báo giới khi bắt đầu chuyến công du 10 ngày tới châu Á, ông Carter khẳng định Mỹ đang cố gắng duy trì cấu trúc an ninh chung tại khu vực, góp phần mang lại “thịnh vượng cho tất cả mọi người” trong 70 năm qua. Bộ trưởng Carter nói: “Nhiều năm qua, chúng tôi đã bay trên biển Đông và sẽ tiếp tục bay, di chuyển trên biển, hoạt động tại đây. Vì vậy, đó không phải là một thực tế mới. Thực tế mới là hoạt động bồi đắp của Trung Quốc và quy mô của hành vi này. Đây không phải là thực tế của Mỹ, mà là thực tế của Trung Quốc”.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters ngày 28-5, ông Carter cũng bác bỏ ý kiến rằng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên các bãi đá ngầm trước kia sẽ cho phép Bắc Kinh tuyên bố vùng lãnh hải 12 hải lý. “12 hải lý không thuộc về các thực thể chìm dưới nước và giờ đây không còn chìm nữa” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không loại trừ khả năng xem biển Đông là một khu vực tiềm năng để quân đội cung cấp sự hỗ trợ hậu cần cho binh lính Mỹ và các nước theo khuôn khổ pháp lý mới. Phát biểu trước một ủy ban đặc biệt về an ninh của Hạ viện Nhật Bản, ông Abe nhấn mạnh: “Chúng ta đang chứng kiến một quốc gia tiến hành các hoạt động bồi đắp ở khu vực này”. Ông Abe từ chối cho biết liệu Tokyo có đưa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tới biển Đông bằng việc áp dụng luật mới hay không, nếu luật này được thông qua. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo nhấn mạnh bất cứ khu vực nào cũng có thể được cân nhắc nếu an ninh và hòa bình của Nhật Bản “bị ảnh hưởng đáng kể”.
Giữa lúc căng thẳng trên biển Đông leo thang, hải quân Philippines xem xét mua tàu ngầm trong khuôn khổ hiện đại hóa lực lượng vũ trang, bảo vệ các nguồn tài nguyên biển giữa lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng ở biển Đông. Khi được phóng viên hỏi liệu việc hải quân Philippines xem xét mua tàu ngầm có phải là một phần trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang hay không, Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Jesus Millan, ngày 27-5 cho biết: “Tất nhiên, việc mua tàu ngầm nằm trong kế hoạch của chúng tôi. Tuy nhiên, điều đó không thể diễn ra trong ngày một ngày hai được. Chúng tôi cần một thời gian để hoàn tất việc mua sắm đó”. Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Gregorio Pio Catapang nói rằng Philippines cần ít nhất 3 tàu ngầm để tăng cường phòng thủ trên biển.
Bình luận (0)