Căng thẳng Mỹ - Trung về vấn đề biển Đông không có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc gặp tại Washington giữa ngoại trưởng nước chủ nhà John Kerry với người đồng cấp đến từ Bắc Kinh Vương Nghị.
Trong cuộc họp báo chung hôm 23-2, ông Kerry nhấn mạnh: “Thật đáng tiếc là nay có cả tên lửa, máy bay chiến đấu, súng, pháo cùng các thứ khác nữa trên biển Đông. Những thứ này khiến tất cả những ai đi qua và sử dụng biển Đông với mục đích giao thương hòa bình đều cực kỳ lo ngại”.
Ông Kerry cũng khẳng định Mỹ muốn Trung Quốc ngừng quân sự hóa các đảo nhân tạo nước này chiếm đóng và xây dựng trái phép ở biển Đông.
Về phía Ngoại trưởng Vương, một mặt tuyên bố “không có vấn đề gì về tự do hàng hải” nhưng mặt khác lại đưa ra luận điệu tự mâu thuẫn khi lớn tiếng phản đối các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải gần đây của Washington.
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh không muốn thấy “thêm hoạt động do thám cự ly gần hay đưa tàu khu trục mang tên lửa hay máy bay ném bom chiến lược đến biển Đông”. Không dừng lại ở đó, ông Vương còn cáo buộc Philippines mới là nước gây căng thẳng khi “vi phạm các quy định tại điều 4 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” và có hành động “đáng tiếc, thiếu khôn ngoan” khi hủy bỏ đối thoại, đàm phán trực tiếp với Trung Quốc.
Màn đấu khẩu trên diễn ra giữa lúc đài Fox News cùng ngày dẫn lời giới chức Mỹ cho biết Bắc Kinh đã triển khai các máy bay chiến đấu Shenyang J-11, Xian JH-7 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hơn 1 tuần sau sự xuất hiện của tên lửa đất đối không HQ-9.
Đại úy hải quân Darryn James, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cho biết Trung Quốc đã triển khai một số chiến đấu cơ tối tân nhất tới Phú Lâm trong vài thập kỷ qua. Đặc biệt, giới phân tích cho rằng lần triển khai mới nhất này không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Trong khi đó, phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 23-2, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), thẳng thừng tố cáo với hành vi triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm và xây các trạm radar ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đang làm thay đổi hiện trạng trên biển Đông.
“Rõ ràng Trung Quốc đang quân sự hóa biển Đông… Tôi tin rằng Bắc Kinh đang theo đuổi bá quyền ở Đông Á” - Đô đốc Harris cảnh báo, đồng thời khẳng định ông ủng hộ không quân và hải quân Mỹ tuần tra thường xuyên biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không.
Thời báo Hoàn cầu, một trong những cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh, ngày 24-2 ngang ngược tuyên bố nếu Mỹ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông như Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh hồi tuần trước thì Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động quân sự trên đảo.
Tuyên bố này rõ ràng trái ngược với cam kết không quân sự hóa biển Đông của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ hồi năm ngoái.
Cơ hội chiến lược của Mỹ
Tại cuộc điều trần hôm 23-2, Đô đốc Harry Harris còn kêu gọi Mỹ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam nhằm đối phó tốt hơn với sự tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc tại biển Đông.
Ông cho rằng việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam là quan trọng với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Washington nên cải thiện quan hệ với Hà Nội. Vị tư lệnh cho rằng tình hình hiện nay tạo ra cơ hội chiến lược để Mỹ tăng cường liên minh với các nước ở khu vực, trong đó có Việt Nam. Ông kêu gọi Hải quân Mỹ đầu tư phát triển thế hệ tên lửa mới để đối phó Trung Quốc.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain tố cáo Bắc Kinh hành động như “kẻ bắt nạt” và kêu gọi chính phủ có biện pháp trừng phạt các công ty Trung Quốc dính líu đến hoạt động cải tạo đất phi pháp, phá hủy môi trường ở biển Đông.
Bình luận (0)