Đối thoại Kinh tế Toàn diện Mỹ - Trung dự kiến bắt đầu vòng họp đầu tiên tại thủ đô Washington - Mỹ ngày 19-7.
Kết quả khiêm tốn
Theo trang Market Watch (Mỹ), giới chuyên gia nhận định Washington và Bắc Kinh nhắm đến những mục tiêu khác nhau cho cuộc đối thoại trên. Trong khi Tổng thống Donald Trump muốn có những thành công rõ rệt trong việc kéo giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình lại muốn giữ nguyên hiện trạng.
Cuộc đối thoại diễn ra vào thời điểm kế hoạch 100 ngày đàm phán thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ và giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vừa kết thúc ngày 16-7. Kế hoạch này được 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung nhất trí trong cuộc gặp đầu tiên ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida hồi tháng 4.
Chủ trì cuộc đối thoại lần này, bên phía Mỹ có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross trong khi đại diện phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Uông Dương. Cả bộ thương mại của Mỹ và Trung Quốc đều hứa hẹn rằng những chi tiết về kế hoạch 100 ngày nói trên sẽ được làm rõ tại cuộc họp. Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay cuộc họp sẽ đánh giá những thành quả của "100 ngày đầu tiên" trước khi chuyển sang kế hoạch 1 năm.
Các cuộc đàm phán trong khuôn khổ cơ chế này đã mở cửa thị trường Trung Quốc cho thịt bò của Mỹ sau 14 năm và thúc đẩy nền kinh tế số 2 thế giới cam kết mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra thất vọng với những kết quả ban đầu, cho rằng chúng còn quá khiêm tốn.
Ngăn nguy cơ chiến tranh thương mại
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc năm ngoái là 347 tỉ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2017, theo dữ liệu của Mỹ, con số thâm hụt này đã lên tới 138 tỉ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của ông Scott Kenney, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ), Bắc Kinh muốn giữ một chương trình nghị sự dài hạn hơn là thay đổi cách quản lý nền kinh tế của mình.
"Nền kinh tế số 2 thế giới thu được nhiều lợi ích từ những mối quan hệ kinh tế với Mỹ lúc này và họ muốn duy trì hiện trạng đó" - ông Kenney phân tích, "Họ tránh bất cứ vấn đề lớn nào và cuộc đối thoại lần này sẽ đạt được kết quả cơ bản là hạn chế nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại nghiêm trọng".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay bên lề Hội nghị G20 tại Đức hôm 8-7 Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump đang dùng thương mại để mặc cả với Trung Quốc trong việc gây sức ép lên chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong chuyến thăm Paris hồi tuần trước, ông chủ Nhà Trắng thẳng thắn rằng các thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh chính là "sức mạnh lớn nhất" của Washington để ép Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên - "dạy bảo" người hàng xóm bất trị.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Christopher Beddor thuộc Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), kế hoạch của ông Donald Trump khó có thể thành công bởi đơn giản là Bắc Kinh không bao giờ cứng rắn với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, những thông báo gần đây của tổng thống Mỹ về việc điều tra thép nhập khẩu cũng báo hiệu không ít khó khăn chờ đợi cuộc đối thoại. Hai tuần trước, ông Donald Trump yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross điều tra ảnh hưởng của nhập khẩu thép đối với an ninh quốc gia.
Vào tuần rồi, ông Ross bày tỏ ý định sẽ trình lên tổng thống các lựa chọn để hạn chế nhập khẩu thép vì lý do an ninh quốc gia. Động thái này vấp phải sự phản đối gay gắt không chỉ từ quốc gia sản xuất thép số 1 thế giới là Trung Quốc mà còn nhiều đồng minh NATO của Mỹ.
Ông Dan Steinbock, người sáng lập Công ty Tư vấn Difference Group Ltd, nhận định những kỳ vọng của Trung Quốc và cả châu Âu đặt vào cuộc đối thoại kinh tế với Mỹ đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump đã chuyển từ lạc quan thận trọng sang hiện thực khắc nghiệt. Theo ông Steinbock, rõ ràng là cả ông chủ Nhà Trắng và người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ đều đang "gia tăng sức ép" trước thềm cuộc gặp với hy vọng có được những nhượng bộ nhất định từ Trung Quốc.
Tuần lễ bận rộn
Chính phủ Mỹ hôm 17-7 cho biết ưu tiên hàng đầu của tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), có hiệu lực từ ngày 1-1-1994, là giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Canada và Mexico. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Washington sẽ nỗ lực đạt được mục tiêu này bằng cách cải thiện cơ hội xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Canada và Mexico trong khuôn khổ NAFTA. Ngoài ra, theo Reuters, chính quyền Mỹ lần đầu tiên nhấn mạnh mong muốn có một điều khoản ngăn chặn các đối tác thương mại thao túng tiền tệ trong một hiệp định thương mại với nước khác.
Đây được xem là động thái nhằm vào các thỏa thuận thương mại trong tương lai hơn là nhắm riêng vào Canada và Mexico bởi 2 quốc gia này không bị xem là thao túng tiền tệ. Cụ thể, Washington cho rằng không quốc gia nào được phép thao túng tỉ lệ hối đoái để đạt được ưu thế cạnh tranh không công bằng. Đây là lời lẽ thường được sử dụng để phàn nàn Trung Quốc trong mấy năm qua.
Một nguồn tin cho biết giới chức 3 nước Mỹ, Mexico và Canada nhóm họp ở Washington trong ngày 18-7 để thảo luận về những khâu chuẩn bị cho cuộc đàm phán về NAFTA. Thời gian cụ thể của cuộc đàm phán vẫn chưa được thông báo nhưng dự kiến diễn ra vào giữa tháng 8 tới. Nguồn tin từ Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ cho biết trong một cuộc họp kín, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và đại diện Thương mại Robert Lighthizer đều nhất trí ưu tiên hình thức hợp tác 3 bên như hiện nay nhưng vẫn để ngỏ khả năng tìm kiếm thỏa thuận thương mại song phương với Canada và Mexico nếu có "vấn đề" phát sinh.
Tuần lễ bận rộn của chính phủ Mỹ về vấn đề thương mại còn được đánh dấu bởi một sự kiện do Nhà Trắng tổ chức ngày 17-7. Tại đây, Tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ có thêm nhiều bước đi cần thiết trong 6 tháng tới để bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ nhưng không nói rõ những biện pháp cụ thể này là gì. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng còn chỉ trích các thỏa thuận và tập quán thương mại bị xem là gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ.
Lục San
Bình luận (0)