Trong bài phát biểu của mình, ông Hagel chỉ đích danh chính phủ và quân đội Trung Quốc dính líu vào các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ. Ngoài ra, ông nhấn mạnh chiến lược xoay trục sang châu Á của Washington và cảnh báo không chấp nhận bất cứ thế lực nào cưỡng ép thay đổi hiện trạng biển Đông và biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (phải) trao đổi với người đồng cấp Anh Philip Hammond
trước khi phát biểu. Ảnh: EPA
Ông Hagel trấn an Mỹ chỉ muốn khẳng định cam kết với đồng minh chứ không nhắm vào nước nào cụ thể. Nhưng nữ Thiếu tướng Yao Yunzhu, Giám đốc Trung tâm Quan hệ quốc phòng Trung – Mỹ thuộc Học viện Quân đội Trung Quốc, không nghĩ thế. Sau khi ông Hagel dứt lời, bà Yao đứng dậy và nói thẳng rằng Bắc Kinh đơn giản là không tin vào giải thích của ông Hagel. Đồng thời, theo bà, chiến lược mới của Mỹ là cách để khống chế Trung Quốc đang trỗi dậy.
Không khí cuộc họp bàn về hệ thống phòng thủ tên lửa sau đó giữa bà Yao và Tướng Michael Keltz, Giám đốc Bộ phận Lập chiến lược và chính sách của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), cũng không êm ả gì.
Bất chấp sự có mặt của đại diện Nga và Hàn Quốc, bà Yao nói rõ Bắc Kinh phản đối kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ và đồng minh tại châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi bà Yao cho rằng hệ thống này chỉ “làm hại niềm tin chiến lược Mỹ - Trung” thì ông ông Keltz nhấn mạnh Triều Tiên mới là mục tiêu chính.
Hối thúc hoàn tất COC
Ngày 1-6, bộ trưởng quốc phòng một số nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hối thúc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: AP
Thông cáo báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore cho biết tại buổi tiếp ngày 1-6 của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen với 20 người đồng cấp đang dự Đối thoại Shangri-La, các bộ trưởng hoan nghênh Mỹ tiếp tục can dự tại khu vực.
Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở khu vực.
Cùng ngày 1-6, các bộ trưởng quốc phòng cảnh báo nguy cơ chạy đua vũ trang ở châu Á nhờ có mức tăng trưởng cao và do lo ngại về những căng thẳng trong khu vực. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế ( IISS ), lần đầu tiên chi tiêu quân sự của các nước châu Á vượt qua các thành viên châu Âu trong khối NATO năm 2012.
Bình luận (0)