xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ “ưu tiên” lật đổ ông Assad

LỤC SAN

Nga và Iran cam kết tăng cường hợp tác với chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố cho đến khi hoàn toàn đánh bại IS và đồng minh của chúng

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cuối tuần rồi tuyên bố bà không nhận thấy có giải pháp chính trị khả dĩ nào cho cuộc xung đột ở Syria chừng nào Tổng thống Bashar al-Assad còn nắm quyền.

Giải pháp chính trị “duy nhất”

“Nếu nhìn vào hành động của ông ta, theo dõi tình hình ở Syria, khó có thể thấy một chính phủ hòa bình và ổn định chừng nào ông Assad còn nắm quyền” - bà Haley nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN được phát sóng ngày 9-4.

Đáng chú ý, phát biểu cứng rắn trên được đưa không lâu sau khi bà Haley cảnh báo Mỹ sẵn sàng hành động hơn nữa ở Syria tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Phiên họp này diễn ra sau vụ không kích của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Shayrat ở Syria vào rạng sáng 7-4 (giờ địa phương) nhằm trả đũa vụ tấn công hóa học mà Damascus bị quy trách nhiệm.

Theo bà Haley, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ ra lệnh không kích nữa nếu cần. “Sự việc phụ thuộc vào cách mọi người phản ứng trước những gì xảy ra ở Syria, đồng thời bảo đảm rằng chúng ta bắt đầu tiến đến một giải pháp chính trị và tìm thấy hòa bình trong khu vực này” - đại sứ Mỹ khẳng định. Bà Haley cho rằng sự thay đổi chế độ ở Syria sẽ diễn ra vì tất cả các bên đều thấy rằng ông Assad không phải là nhà lãnh đạo cần cho nước này.


Căn cứ Shayrat ở Syria sau vụ không kích của Mỹ. Ảnh: SPUTNIK

Căn cứ Shayrat ở Syria sau vụ không kích của Mỹ. Ảnh: SPUTNIK

Bà Haley cho biết ngoài việc lật đổ ông Assad, Mỹ còn có các ưu tiên khác ở Syria, như đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, loại bỏ sự ảnh hưởng của Iran và tiến đến một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lại có thái độ kiên nhẫn hơn với tương lai chính trị của ông Assad khi nhấn mạnh ưu tiêu hàng đầu của Mỹ là tiêu diệt IS.

“Một khi mối đe dọa IS đã được giảm bớt hoặc triệt tiêu, chúng ta mới có thể quay sang ổn định tình hình ở Syria” - ông Tillerson trả lời phỏng vấn kênh CBS hôm 8-4. Theo Ngoại trưởng Mỹ, Washington hy vọng có thể giúp đưa các bên liên quan ngồi lại vào bàn đàm phán để bắt đầu tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria, khởi đầu bằng việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Iran, Nga bắt tay

Sau cuộc không kích, bất kỳ động thái tiếp theo nào của Mỹ nhằm phục vụ mục tiêu thay đổi chế độ ở Syria sẽ vấp phải trở ngại không nhỏ từ Iran và Nga - hai đồng minh hàng đầu của chính quyền ông Assad lúc này.

Điện đàm với nhà lãnh đạo Syria ngày 9-4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã gọi vụ phóng 59 tên lửa Tomahawk là hành động xâm phạm lãnh thổ Syria của Mỹ. Trong khi đó, ông Assad cho rằng Washington đã không đạt được mục đích của mình qua cuộc tấn công này là “khích lệ tinh thần các nhóm khủng bố được Mỹ hậu thuẫn” sau một loạt chiến thắng của quân đội Syria.

Trước đó một ngày, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, thiếu tướng Mohammad Baqeri và người đồng cấp Nga, tướng Valery Vasilevich Gerasimov, cũng lên án cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Syria. Hai ông Baqeri và Gerasimov đã tái khẳng định quyết tâm chống khủng bố của Nga và Iran, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác với chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố cho đến khi hoàn toàn đánh bại IS và đồng minh của chúng.

Trong bối cảnh đó, tình hình Syria chắc chắn bao trùm chương trình nghị sự khi Ngoại trưởng Tillerson dự kiến thăm Nga trong 2 ngày 11 và 12-4. Trong cuộc điện đàm với ông Tillerson hôm 8-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov quả quyết rằng hành động tấn công vào một quốc gia đang chiến đấu chống khủng bố chỉ có lợi cho các phần tử cực đoan, tạo ra thêm các mối đe dọa cho an ninh khu vực và toàn cầu.

Tàu sân bay USS Carl Vinson Ảnh: Reuter

Tàu sân bay USS Carl Vinson Ảnh: Reuters

Sau Syria, Mỹ nhắm đến Triều Tiên?

CHDCND Triều Tiên ngày 9-4 tuyên bố sẽ tăng cường khả năng phòng thủ để bảo vệ đất nước trước các cuộc không kích tương tự những gì xảy ra với một căn cứ không quân ở Syria mới đây.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một quan chức Bình Nhưỡng cho rằng vụ không kích diễn ra theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump này là “hoàn toàn không thể tha thứ”. Hành động này chứng tỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là chính đáng để tự vệ trước mối đe dọa của Washington.

Tuyên bố trên đưa ra giữa lúc nhóm tàu sân bay tác chiến Carl Vinson của Hải quân Mỹ đang tiến về phía Tây Thái Bình Dương trong động thái phô trương lực lượng gần bán đảo Triều Tiên. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết nhóm tàu này - gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, một số tàu khu trục tên lửa và tàu tuần dương tên lửa - đã khởi hành từ Singapore hôm 8-4. Nhóm tàu này ban đầu dự định đến Úc nhưng kế hoạch đã thay đổi vào giờ chót, theo Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ. Một quan chức giấu tên giải thích với hãng tin Reuters rằng Washington có bước đi trên vì nỗi lo ngày càng lớn về chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.

Trong cuộc điện đàm ngày 9-4, Tổng thống Trump và quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-Ahn tái khẳng định sức mạnh liên minh quân sự Mỹ - Hàn cũng như nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ về Triều Tiên và các vấn đề khác. Cuộc điện đàm diễn ra không lâu sau khi Mỹ và Trung Quốc không đạt tiến triển về biện pháp đối phó chương trình hạt nhân của Triều Tiên tại cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ở bang Florida.

Phát biểu với các phóng viên sau khi phái đoàn Trung Quốc rời đi hôm 7-4, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói Mỹ sẵn sàng có hướng đi riêng đối với vấn đề Triều Tiên nếu Bắc Kinh không thể hợp tác cùng Washington. Trong những biện pháp đối phó mà Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) đề xuất với ông Trump mới đây, gây tranh cãi nhất là việc đưa vũ khí hạt nhân Mỹ trở lại Hàn Quốc. Ngoài ra, đặc nhiệm Mỹ và Hàn Quốc có thể xâm nhập Triều Tiên để phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng được sử dụng phục vụ chương trình hạt nhân.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng không như Syria, Triều Tiên có năng lực đáp trả nếu bị khiêu khích. Theo AP, ngoài tên lửa tầm xa và chương trình hạt nhân ngày một tiến bộ, Bình Nhưỡng còn có tên lửa tầm ngắn và súng pháo có khả năng bắn tới thủ đô Seoul - Hàn Quốc, thành phố có hơn 10 triệu dân.

Xuân Mai

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo