Người đứng đầu Nghị viện Châu Âu Martin Schulz nói: “Nếu đúng, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa Mỹ và EU. Chúng tôi đang yêu cầu một báo cáo chi tiết”. Trước đó, một bài báo đăng trên Tạp chí Der Spiegel của Đức dẫn báo cáo mật năm 2010 cáo buộc rằng Mỹ do thám hệ thống máy tính nội bộ của các văn phòng của EU ở New York và Washington. Thông tin này được cựu nhân viên CIA đang bỏ trốn Edward Snowden tiết lộ.
Hiện chưa rõ những thông tin mà Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) thu thập được là gì, song những chi tiết về những vấn đề thương mại và quân sự của EU có thể hữu ích đối với những người tham gia các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các chính phủ Châu Âu.
Snowden đang mắc kẹt tại sân bay quốc tế của Moscow – Nga. Ảnh: AP
Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger nói rằng hành động của Mỹ làm ông nhớ đến Chiến tranh lạnh. “Nếu tiết lộ của phương tiện truyền thông là chính xác thì đây chẳng khác nào những phương pháp kẻ thù sử dụng trong Chiến tranh lạnh. Điều đó cho thấy Mỹ xem châu Âu như kẻ thù” – Bộ trưởng Tư pháp Đức nói.
Ngoài ra, theo báo Anh The Guardian, các đại sứ quán Pháp, Ý, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico... tại Washington cũng trở thành đối tượng bị theo dõi.
Giới chức Mỹ ngày 30-6 cho biết sẽ trả lời châu Âu về các cáo buộc nêu trên thông qua các kênh ngoại giao. Phát biểu trên đài truyền hình CBS hôm 30-6, cựu giám đốc cơ quan CIA và NSA Mike Hayden thúc giục chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obam minh bạch chương trình do thám để xoa dịu nỗi lo sợ của người dân. Bên cạnh đó, ông Mike Hayden cho rằng ông Obama cần có những bước đi cứng rắn hơn để đưa Snowden về Mỹ đối mặt với pháp luật.
Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho biết vẫn chưa xem xét yêu cầu tị nạn của Snowden.
Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Về phần Snowden, kẻ thổi còi này đang được “chính quyền Nga chăm nom” và không thể rời khỏi sân bay quốc tế của Moscow mà không có sự đồng ý của họ, Tổng thống Ecuador Rafael Correa nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 30-6.
Điện Kremlin tuyên bố rằng sẽ lấy ý kiến của người dân và các nhà hoạt động nhân quyền về trường hợp Snowden, bước đầu của việc tìm kiếm tị nạn tại Nga.
Trong một diễn biến có liên quan, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange dẫn lời Snowden bảo đảm rằng những thông tin về chương trình theo dõi của Mỹ sẽ tiếp tục được công bố bất kể những gì xảy ra với anh ta.
Bình luận (0)