Phát biểu trong một cuộc hội thảo ngày 7-8, ông Cohen nói: “Những gì Nga đang làm thực ra là tự trừng phạt người dân của mình. Và việc trừng phạt nhằm vào thực phẩm là điều mà Mỹ và các đồng minh của chúng tôi không bao giờ làm”. Theo ông, thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế là những thứ Mỹ không bao giờ áp lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho hay Nga cấm nhập khẩu trong vòng 1 năm đối với các loại thịt, trái cây, rau quả, cá và sản phẩm từ sữa của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Úc, Canada và Na Uy. Chỉ thực phẩm dành cho trẻ em được loại trừ.
Theo báo Wall Street Journal (WSJ - Mỹ), gia cầm chiếm phần lớn nhất trong các sản phẩm nông nghiệp Mỹ xuất sang Nga, trị giá hơn 300 triệu USD trong tổng số 1,6 tỉ USD trong năm ngoái.
EU không thoải mái được như Mỹ khi mất thị trường Nga giữa lúc kinh tế của khối chưa hồi phục. Nông dân từ Pháp, Hy Lạp và một số nơi khác bắt đầu đòi EU bồi thường hoặc trợ giá vì bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Nga, theo WSJ.
Hôm 7-8, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “sẵn sàng hành động”: “Lệnh cấm trên rõ ràng mang động cơ chính trị. Sau khi đánh giá đầy đủ các biện pháp của Nga, chúng tôi bảo lưu quyền hành động khi thích hợp”.
Theo Đài RT (Nga), lệnh cấm của Nga có thể khiến EU thiệt hại chừng 16 tỉ USD và đẩy châu lục này vào khủng hoảng. Đài này dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho hay thương mại châu Âu phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu thực phẩm sang Nga.
Ông Vygaudas Usackas, đại sứ EU tại Nga, hôm 7-8 cho biết Nga nhập 16 tỉ USD thực phẩm từ EU vào năm ngoái, chiếm khoảng 10% tổng giá trị xuất khẩu của khối. Hà Lan, Đức và Ba Lan là những nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất cho Nga trong EU.
Úc cũng tỏ ra thất vọng nặng nề và lo ngại lệnh cấm nhập thực phẩm của Nga sẽ thiệt hại hàng trăm triệu đô la Úc mỗi năm vì lệnh cấm của Nga. Trong khi đó, nghị sĩ Pháp Jacques Myard nói với tờ Le Figaro rằng việc Pháp quyết định trừng phạt Nga là hoàn toàn không thỏa đáng, sai lầm và là hành động tự sát. Theo ông này, cuộc khủng hoảng Ukraine vốn mang tính khu vực nhưng EU lại quốc tế hóa thành xung đột giữa Nga, EU và Mỹ bằng cách áp lệnh trừng phạt.
Về phía Nga, bà said Olga Kamenchuk – giám đốc về nghiên cứu quốc tế của trung tâm thăm dò dư luận quốc gia Vtsiom – nhận định phần lớn dân số Nga không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm bởi họ thường chọn mua những sản phẩm đơn giản.
Các nhóm dân cư thành thị giàu có hơn với thói quen ẩm thực bao gồm phô mai Pháp và xúc xích Đức mới là đối tượng bị đụng chạm. Dù vậy, bà Kamenchuk và nhiều chuyên gia khác cảnh báo giá thực phẩm sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Nga nhập khẩu khoảng 43 tỉ USD thực phẩm trong năm 2013, trong đó số hàng hóa nằm trong lệnh cấm vừa ban hành chiếm gần 9 tỉ USD. Khí đốt Nga vẫn là lĩnh vực chưa bên nào dám đụng vào trong cuộc chiến thương mại này.
Bình luận (0)