Nạn nhân được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus Ebola tại bệnh viện TP Dallas, bang Texas – Mỹ vào hôm 30-9, 10 ngày sau khi ông Duncan trở về từ một chuyến bay ở thủ đô Monrovia của Liberia, nơi đang bùng phát ổ dịch.
Trước đó, ông Duncan làm nhân viên cho một công ty chuyển phát nhanh tại Mỹ. Có mặt ở bệnh viện để kiểm tra, ông nói với nhân viên y tế mình từng ở Liberia và được phát thuốc kháng sinh, sau đó trở về nhà. 4 ngày sau, bệnh nhân mới được cách ly và bệnh trạng của ông Duncan ngày càng trở nên tồi tệ.
Dù được điều trị bằng một loại thuốc thử nghiệm mới nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi. Người phát ngôn bệnh viện Texas Health Presbyterian, nơi ông Duncan điều trị, cho biết: “Chúng tôi, với nỗi đau buồn và thất vọng sâu sắc phải thông báo cho mọi người về cái chết của Thomas Eric Duncan lúc 7 giờ 51 phút sáng 8-10 (giờ địa phương)”.
Sau cái chết của bệnh nhân Ebola đầu tiên tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama tuyên bố: “Chúng tôi xin chia buồn với gia đình nạn nhân. Nếu không làm theo các quy trình và thủ tục đề ra (kiểm tra tại sân bay…), chúng ta sẽ vô tình gia tăng nguy cơ (lây nhiễm Ebola) cho cộng đồng”.
Các biện pháp kiểm tra Ebola mới do Mỹ công bố tại các thành phố Chicago, New York, Washington và Atlanta không có khả năng phát hiện triệu chứng nhiễm bệnh của ông Duncan vì bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện gì khi trở về từ Liberia. 10 người từng tiếp xúc với ông Duncan đang được theo dõi chặt chẽ để tránh lây lan dịch bệnh.
Nạn nhân đầu tiên chết vì virus Ebola bên ngoài Tây Phi là một nữ y tá người Tây Ban Nha tên Teresa Romero, nhiễm bệnh sau khi cô chăm sóc 2 nhà truyền giáo Tây Ban Nha.
Hiện 3.865 người, chủ yếu ở Liberia, Sierra Leone và Guinea đã bị đại dịch Ebola cướp đi mạng sống và các trường hợp mắc bệnh đang gia tăng theo cấp số nhân ở các quốc gia này.
Bình luận (0)