Trên Đại Tây Dương, biển Bắc, biển Đen và biển Baltic, NATO phát hiện một số lượng lớn máy bay ném bom, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu Nga trong không phận quốc tế.
Cụ thể, trên biển Bắc và Đại Tây Dương, 8 máy bay Nga lập đội hình bay về phía biển Na Uy và vào không phận quốc tế chiều 29-10. Khi bị không quân Na Uy điều chiến đấu cơ F-16 ngăn chặn, 6 trong số 8 chiếc này quay lại. 2 máy bay ném bom Tu-95 Bear H tiếp tục bay trên bờ biển Na Uy, sau đó bị máy bay Anh theo dõi và cuối cùng cũng quay về nước.
Máy bay MiG-31 của Nga bay quanh khu vực châu Âu hôm 28 và 29-10. Ảnh: Reuters
4 máy bay khác của Nga, bao gồm 2 máy bay ném bom và 2 chiến đấu cơ, bị phát hiện trên biển Đen và bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ giám sát.
Ngoài ra còn có ít nhất 7 máy bay Nga bị chặn trên biển Baltic cùng ngày 29-10, trong đó có 4 chiến đâu cơ Su-24, 2 chiếc MiG-31 và 1 máy bay Su-27. Số máy bay này bị máy bay Đức, Đan Mạch và máy bay của 2 nước không phải thành viên NATO là Thụy Điển và Phần Lan theo dấu.
Dù chúng không xâm phạm chủ quyền của quốc gia châu Âu nào nhưng theo Trung tá Jay Janzen, phát ngôn viên của NATO tại Bỉ, quy mô và lịch trình các chuyến bay chắc chắn là một hoạt động đáng ngờ.
Giới chức Mỹ tin rằng các máy bay kể trên được triển khai nhằm biểu dương lực lượng của Nga nhưng NATO vẫn nâng cao cảnh giác vì máy bay Nga lượn lờ tới tận những khu vực xa xôi như Bồ Đào Nha.
Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, máy bay quân sự Nga đã gia tăng hoạt động tại khu vực châu Âu với hơn 100 lần bị NATO phát hiện và ngăn chặn, gấp khoảng 3 lần so với năm 2013.
Trong khi đó, chính phủ Pháp hôm 29-10 phủ nhận thông tin cung cấp tàu sân bay trực thăng Vladivostok cho Nga vào ngày 14-11 tới.
Hồi năm 2011, tổng thống Pháp lúc đó là Nicolas Sarkozy ký hợp đồng bán tàu Vladivostok lớp Mistral trị giá 1,6 tỉ USD cho Nga, một động thái đánh dấu kết thúc thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua, đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố ngừng bàn giao tàu chiến nếu Nga không thực hiện “thỏa thuận ngừng bắn và giải pháp chính trị” tại Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuần này cho biết ông Hollande sẽ sớm đưa ra quyết định về việc tiếp tục hay hủy bỏ hợp đồng. Công ty sản xuất tàu chiến DCNS của Pháp cũng chưa xác nhận ngày giao hàng cụ thể.
Bình luận (0)