Sự thay đổi này được phản ánh rõ qua việc NATO mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sau khi Thổ Nhĩ Kỳ không còn phản đối bước đi như thế. Theo đài Al Jazeera, cuộc khủng hoảng ở Ukraine khiến Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ trạng thái trung lập lâu nay và xin gia nhập NATO.
Bên cạnh bước đi mở rộng, NATO còn nhất trí tăng quy mô lực lượng phản ứng nhanh từ 40.000 lên 300.000 binh sĩ khi lãnh đạo các nước thành viên nhóm họp tại thủ đô Madrid - Tây Ban Nha từ ngày 28 đến 30-6. Lực lượng mới này sẽ đóng tại quốc gia của họ nhưng sẵn sàng được triển khai nhanh chóng đến các nước ở sườn phía Đông của NATO.
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở thủ đô Madrid - Tây Ban Nha hôm 29-6. Ảnh: REUTERS
Một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự là tăng cường phòng thủ trước Nga và hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột. Cả hai điều này đòi hỏi cam kết tài chính nhiều hơn nữa từ các thành viên NATO.
Dù vậy, chỉ 9 trong số 30 thành viên của NATO hiện đáp ứng mục tiêu của khối là chi 2% GDP cho quốc phòng. Vì thế, ông Stoltenberg đã lên tiếng kêu gọi các nước thành viên NATO tăng cường chi tiêu quân sự trong một thế giới ngày càng "nguy hiểm và khó đoán hơn".
Phản ứng trước những diễn biến trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 29-6 cho biết Moscow xem việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là "tiêu cực". Theo hãng tin RIA, ông Ryabkov nhận định việc NATO mở rộng đang "gây bất ổn" và không giúp củng cố an ninh cho các nước thành viên.
Bình luận (0)