Căng thẳng với Nga dự kiến đứng đầu chương trình nghị sự khi lãnh đạo 28 nước thành viên NATO và đại diện các quốc gia đối tác họp tại Ba Lan ngày 8 và 9-7.
Lực lượng răn đe Nga
Trả lời AP hôm 4-7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước chủ nhà Antoni Macierewicz khẳng định hội nghị sẽ cho ra đời một lực lượng răn đe khiến Nga phải quên đi ý định “đe dọa” Ba Lan và những nước khác. Lực lượng mà ông Macierewicz nói đến không gì khác ngoài 4 tiểu đoàn tại Ba Lan và 3 nước Baltic - Estonia, Latvia, Lithuania - mà NATO điều động theo yêu cầu của các nước này, vốn lo ngại sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và ủng hộ phe ly khai ở miền Đông Ukraine.
Hiện chưa rõ thời điểm 4 tiểu đoàn trên - chịu sự chỉ huy của Mỹ, Anh, Đức, Canada - được triển khai. Ngoài ra, một lữ đoàn của Mỹ sẽ đóng tại sườn Đông NATO, tiếp giáp tỉnh Kaliningrad - Nga. Moscow không ít lần cảnh báo sẽ đáp trả bước đi trên nhưng không nói rõ sẽ làm gì. Ngoài động thái quân sự, Nga còn lo ngại NATO tiếp tục kết nạp thành viên sát biên giới mình.
Phần Lan hôm 4-7 xác nhận tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng nước này sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, khiến Nga lo ngại láng giềng sẽ “đầu quân” cho NATO. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày cảnh báo việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ dẫn đến “phản ứng quân sự” của Moscow. Trước đó, cuối tuần rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng dọa triển khai binh sĩ tới gần biên giới Phần Lan nếu Helsinki từ bỏ “sự trung lập” hiện nay.
Còn nhiều bất đồng
Một cái tên khác có thể khiến Nga mất ăn mất ngủ là đồng minh Serbia - một trong vài nước Balkan chưa gia nhập NATO. Quan hệ liên minh chính trị Nga - Serbia được duy trì suốt thời gian dài. Nhiều người Serbia không có thiện cảm với NATO sau chiến dịch ném bom năm 1999 nhằm đánh đuổi lực lượng nước này khỏi Kosovo. Tuy nhiên, theo Reuters, những rào cản này không ngăn được Serbia tiến lại gần NATO.
Năm 2006, Serbia đã gia nhập chương trình Đối tác Hòa bình của NATO. Đến năm 2015, Belgrade tiếp tục ký Kế hoạch Hành động Đối tác cá nhân - hình thức hợp tác cao nhất giữa NATO với một nước không muốn tham gia liên minh. “Mục tiêu của Serbia là gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và tiến trình này sẽ bao gồm chương trình nghị sự của Chính sách An ninh và Quốc phòng chung EU. Hầu hết chính sách của NATO phù hợp với chương trình nghị sự này. Nga vẫn là đối tác và Serbia không gia nhập NATO nhưng đường đi của chúng tôi hướng về phương Tây” - một quan chức quốc phòng Serbia giấu tên đúc kết về tương lai mối quan hệ tay 4 này.
Phía NATO dù dè chừng Nga nhưng không muốn giữa hai bên lúc nào cũng “căng như dây đàn”. Bằng chứng là Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 4-7 cho biết khối này đang làm việc với phía Moscow để tổ chức cuộc gặp Hội đồng NATO - Nga ngay sau hội nghị thượng đỉnh nói trên. Theo ông Stoltenberg, cuộc gặp tập trung vào sự minh bạch và giảm rủi ro, nhất là sau vụ chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga tại biên giới Syria cuối năm ngoái hoặc vụ máy bay Nga lượn sát tàu khu trục Mỹ trên biển Baltic gần đây.
Cuộc họp gần đây nhất của Hội đồng NATO - Nga diễn ra vào tháng 4-2016 nhưng kết thúc trong bất đồng về nhiều vấn đề, bao gồm tình hình Ukraine. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng 6-2014, thời điểm NATO - Nga chính thức đóng băng do khủng hoảng Ukraine.
Moscow dịu giọng với Washington
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa bày tỏ mong muốn Moscow và Washington nối lại mối quan hệ tích cực trong lá thư gửi Tổng thống Barack Obama nhân dịp Quốc khánh Mỹ (ngày 4-7). “Lịch sử quan hệ Nga - Mỹ cho thấy khi là những đối tác bình đẳng và tôn trọng các lợi ích hợp pháp của nhau, chúng ta có thể giải quyết thành công những vấn đề quốc tế phức tạp nhất vì lợi ích của nhân dân 2 nước và toàn thể nhân loại” - ông chủ Điện Kremlin viết. Tuy nhiên, theo đài CNN, Nhà Trắng từ chối bình luận về thông điệp của Tổng thống Nga.
Việc Nga “chìa cành ô liu” cho Mỹ diễn ra giữa lúc tàu chiến, máy bay Nga thường xuyên bị cáo buộc áp sát lực lượng Mỹ. Ngoài ra, Washington nhận định Moscow đang can dự vào tình hình Syria theo cách thức “không mang tính xây dựng” cho cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tổng thống Obama chắc chắn sẽ không bỏ qua những vấn đề trên khi ông dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào cuối tuần này.
Chuyến đi sắp tới cũng là dịp để ông Obama phác thảo chính sách đối ngoại của mình trong 6 tháng cuối nhiệm kỳ. Đó là Mỹ và các nước châu Âu không được từ bỏ những xã hội mở, kết nối với nhau trước sức ép từ chủ nghĩa dân tộc do tỉ phú Donald Trump và những người ủng hộ Brexit (Anh rời EU) cổ xúy. Ông David Axelrod, cựu cố vấn cấp cao của Tổng thống Obama, cho rằng vào thời điểm này, “mọi người (ở châu Âu) sẵn sàng lắng nghe bất kỳ lời khuyên có lý nào”.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết một trong những lời khuyên của ông chủ Nhà Trắng là EU cần hợp tác chặt chẽ hơn với NATO trong những lĩnh vực như chống tấn công mạng, điều phối tập trận và tuần tra ở Địa Trung Hải. Huệ Bình
Bình luận (0)