Sinh nhật lần thứ 70 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 4-4 bị phủ bóng bởi những rạn nứt giữa Mỹ và phần còn lại quanh một loạt vấn đề, từ chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump cho đến chi tiêu quốc phòng và việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Phát biểu trước quốc hội Mỹ trước đó một ngày, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg có ý phàn nàn về chính sách "Nước Mỹ trên hết" khi cho rằng Washington hưởng lợi từ liên minh 29 thành viên này cũng nhiều như các nước châu Âu. Ông nhắc lại việc các thành viên NATO giúp Mỹ ra sao sau khi xảy ra sự kiện khủng bố 11-9-2001, cũng như chiến đấu cạnh Mỹ tại Afghanistan và tham gia liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. "Điều này giúp nước Mỹ trở nên mạnh hơn, an toàn và an ninh hơn" - ông Stoltenberg đúc kết.
Dù vậy, bất chấp lời kêu gọi đoàn kết nhân dịp NATO tròn 70 tuổi, rạn nứt trong lòng liên minh quân sự này dường như thêm mở rộng, nổi bật là quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo trang Bloomberg, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 3-4 tái khẳng định Ankara quyết tâm mua hệ thống S-400 của Moscow bất chấp sức ép gia tăng của Washington. Theo ông Cavusoglu, thương vụ này là cấp thiết bởi NATO hiện không thể bảo vệ không phận của NATO.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO ở thủ đô Washington - Mỹ hôm 3-4Ảnh: Reuters
Trước đó cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn giữa việc tiếp tục là thành viên quan trọng trong NATO hoặc muốn hủy hoại vị thế này bằng "những quyết định khinh suất", như mua S-400. Ngoài ra, Lầu Năm Góc tuyên bố ngừng cung cấp mọi thiết bị liên quan đến chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi Ankara từ bỏ thương vụ.
Ngoài thương vụ S-400, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ còn căng thẳng vì sự hậu thuẫn của Washington dành cho lực lượng người Kurd tham gia cuộc chiến chống IS tại Syria. Trong động thái đáp lại đòi hỏi trên của ông Pence, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cũng đưa ra tối hậu thư: Washington phải chọn giữa việc tiếp tục là đồng minh của Ankara hoặc đứng về phía "những kẻ khủng bố", làm suy yếu khả năng phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một cái gai khác trong quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh NATO là đòi hỏi tăng chi tiêu quốc phòng từ Washington. Phát biểu tại cuộc gặp ông Stoltenberg ở Nhà Trắng hôm 2-4, ông Trump nhận định các nước NATO đã đạt tiến triển trong vấn đề này nhưng vẫn hy vọng họ sẽ chi tiêu cho quân sự nhiều hơn nữa trong những năm tới. Ông chủ Nhà Trắng lâu nay vẫn phàn nàn chuyện Mỹ đóng góp quá nhiều cho chi tiêu quân sự của NATO và muốn các thành viên còn lại dành hơn 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Mỹ đã chỉ trích đích danh Đức khi cho rằng nước này chỉ mới dành gần 1% GDP cho quốc phòng.
Một ngày sau đó, đến lượt Phó Tổng thống Pence tiếp tục công kích đồng minh Đức, ngoài chuyện chi tiêu quốc phòng còn có dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga. Theo ông Pence, việc Đức "trở nên phụ thuộc vào năng lượng Nga" là sai lầm. Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas sau đó tuyên bố nước ông sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 1,5% GDP vào năm 2024 dù con số này vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của Mỹ.
Rạn nứt trong lòng NATO xuất hiện trong bối cảnh quan hệ phương Tây - Nga chưa có dấu hiệu được cải thiện. Ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO muốn có quan hệ tốt hơn với Nga nhưng cũng cần tăng cường sức mạnh phòng thủ. "Chúng ta không muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới. Chúng ta không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên, chúng ta không được ngây thơ" - ông Stoltenberg khẳng định trong bài phát biểu trước quốc hội Mỹ.
Bình luận (0)