"Chuyện gì cũng có thể xảy ra" - ông Obama nói với đài NBC và cho biết Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra vụ rò rỉ hơn 19.000 email của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ.
Trong bê bối xảy ra ngay trước thềm đại hội toàn quốc đảng Dân chủ này, ủy ban nói trên bị tố thiên vị bà Hillary Clinton và cản trở ông Bernie Sanders trong quá trình bầu cử sơ bộ.
"Tôi biết các chuyên gia đang quy trách nhiệm cho người Nga. Những gì chúng ta biết là người Nga thường xâm nhập hệ thống của chúng ta, không chỉ hệ thống chính phủ mà cả các hệ thống riêng tư. Tôi không thể nói trực tiếp về động cơ của vụ rò rỉ nhưng điều tôi biết là Donald Trump thường xuyên bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Vladimir Putin" - ông Obama nói thêm.
Bà Clinton cùng chồng và con gái trong quá trình bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, theo báo The New York Times, tình báo Mỹ đã báo cáo với Nhà Trắng rằng "khả năng cao" chính phủ Nga đứng đằng sau vụ rò rỉ email. Tuy nhiên, chưa rõ đây là hoạt động tình báo thông thường hay Điện Kremlin đang cố tình can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Đánh giá của tình báo Mỹ tỏ ra phù hợp với nhận định của nhiều chuyên gia và các hãng an ninh mạng tư nhân.
Thế nhưng, trong khi phần lớn suy đoán cho rằng ông chủ Điện Kremlin muốn "giúp" tỉ phú Trump của đảng Cộng hòa, bài phân tích của NBC cho thấy một khả năng khác. Đài này dẫn lời các cựu quan chức Mỹ và chuyên gia chỉ ra: Nếu thực sự Nga đứng sau vụ việc trên, có lẽ không phải vì Tổng thống Putin thích ông Trump, mà chính là ông không ưa ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ.
Đài NBC News miêu tả nguyên nhân mối "ác cảm" của ông chủ Điện Kremlin với “bà đầm thép” nước Mỹ là do những lời chỉ trích của bà Clinton đã vượt quá giới hạn chính trị, động tới vấn đề cá nhân.
Theo Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul (giai đoạn 2012-2014), ngoài những bất đồng về chính sách, ông Putin còn nhận thấy một số phát biểu của bà Clinton không khác nào một cuộc tấn công cá nhân nhằm vào ông, cách ông lãnh đạo đất nước và thực hiện chính sách đối ngoại của mình.
Nhiều cựu quan chức dưới thời Tổng thống Obama nói rằng khi còn làm ngoại trưởng, bà Clinton là quan chức Mỹ chống lại nỗ lực củng cố quyền lực cũng như mở rộng ảnh hưởng trong và ngoài khu vực của ông Putin tích cực và thẳng thắn nhất.
Ông McFaul nhớ lại có một lần, bà Clinton ngụ ý ông Putin “cố gắng tái tạo Liên Xô cũ” trong cuộc họp với các quan chức Nga cao cấp. “Tại thời điểm đó, tôi còn làm đại sứ. Họ (các quan chức Nga) giận đến tái mặt” – ông McFaul kể.
Vào năm 2014, sau khi rời khỏi văn phòng ngoại trưởng, bà Clinton không ngại so sánh ông Putin với trùm phát xít Đức Adolf Hitler. Lúc đó, Nga vừa sáp nhập bán đảo Crimea. Bình luận này chọc giận cả tổng thống lẫn người dân Nga.
Trước đó, trong 7 năm tại thượng viện Mỹ, bà Clinton cũng là nhà phê bình cứng rắn đối với ông Putin. Năm 2008, bà từng nghi ngờ nhà lãnh đạo Nga “không có linh hồn” vì là cựu điệp viên cơ quan tình báo Liên Xô cũ (KGB).
Năm 2011, bà Clinton đề cập tới vai trò của ông Putin trong cuộc bầu cử quốc hội Nga. Tại hội nghị Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu diễn ra ở Lithuania tháng 12 năm đó, bà Clinton kêu gọi một cuộc điều tra về cáo buộc “gian lận bầu cử” ở Nga.
“Giống như tất cả mọi người, người Nga xứng đáng có quyền nói lên tiếng nói của mình cũng như quyền được bỏ phiếu. Điều đó có nghĩa là họ xứng đáng được hưởng công bằng, tự do, bầu cử minh bạch và các nhà lãnh đạo có trách nhiệm với họ” – bà nói.
Lần này, ông chủ Điện Kremlin công khai nổi giận, tố bà Clinton cầm đầu nỗ lực của chính quyền Obama để làm suy yếu tính hợp pháp của cuộc bầu cử năm 2011 tại Nga.
Gần đây nhất, quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, ông Robby Mook, khẳng định tin tặc Nga đã xâm nhập hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) hồi cuối tuần trước. Sau đó, họ đánh cắp email và tung lên mạng internet nhằm giúp ông Trump đánh bại bà Clinton trong cuộc bầu cử ngày 8-11 sắp tới.
"Tôi nghĩ ông Putin tin là bà Clinton từng xen vào bầu cử ở Nga nên ông ấy có quyền làm ngược lại. Đây là một ví dụ nữa cho thấy Nga không chơi theo luật và họ có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới bầu cử Mỹ" - ông Evelyn Farkas, từng là quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ giám sát quan hệ quân sự với Nga cho tới tháng 9 năm ngoái, nhận định. Theo ông Farkas, "đó là phong cách của Nga, thu thập dữ liệu rồi nhả thông tin ra nhằm hỗ trợ đồng minh chính trị và hạ thấp đối thủ".
Bình luận (0)