Tình hình hiện nay căng thẳng hơn nhiều so với thời điểm tháng 4-2017 khi Nga công khai đe dọa sẽ trực tiếp đấu với Mỹ trên đất Syria.
Mặc dù không phải tranh cãi về khả năng của Nga nhưng người ta có thể nghi ngờ quyết tâm của Moscow nếu căn cứ vào những lần Nga đã không ngăn chặn các cuộc tấn công trước đây của Israel ở Syria.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 tại căn cứ không quân ở Hmeymim sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: SPUTNIK
Cả hai căn cứ của binh sĩ Nga tại Syria - căn cứ không quân Hmeymim gần thành phố cảng Latakia và căn cứ hải quân ở Tartus - đều được bố trí tên lửa đất đối không tầm xa, trong đó có S-400 và S-300VM.
Cả hai hệ thống phòng không này đều có tầm bắn đến 400 km và nằm trong số những hệ thống chống tên lửa tầm xa tốt nhất thế giới hiện nay.
Hệ thống tên lửa Buk-M2E. Ảnh: SPUTNIK
Bổ sung cho các phương tiện đánh chặn trên là các hệ thống tầm ngắn hơn, bao gồm Buk-M2 tầm trung và Pantsir S1 tầm ngắn.
Các hệ thống này có chức năng bảo vệ một địa điểm có tầm chiến lược trước bất kỳ mối đe dọa nào, từ máy bay không người lái cỡ nhỏ có vũ trang và máy bay bay thấp đến các tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Trong khi đó, điểm được cho là yếu của các hệ thống phòng không tầm xa của Nga là khả năng thu nhận mục tiêu, điều đó đòi hỏi phải có radar bổ sung.
Tuy nhiên, ở Syria, ít khả năng đây là một vấn đề đối với người Nga bởi vì họ vẫn sử dụng hệ thống radar A-50 có cùng chức năng với các máy bay cảnh báo sớm. Ngoài ra, các hệ thống phòng không của Nga đã được tích hợp với các khí tài cũ của Liên Xô được quân đội Syria sử dụng.
Máy bay cảnh báo sớm A-50. Ảnh: WIKIPEDIA
Mỹ có thể cố áp đảo các hệ thống phòng không của Nga bằng một trận mưa tên lửa nhưng hiệu quả của cuộc tấn công đó vẫn sẽ bị giảm đi đáng kể, theo đài RT.
Trong tình huống xảy ra một cuộc tấn công bằng tên lửa hạn chế, quân đội Nga có thể hiện thực hóa lời đe dọa trước đây là giáng đòn đáp trả vào nơi xuất phát những tên lửa đó - như các tàu khu trục có tên lửa dẫn đường và tàu ngầm của Mỹ đang được triển khai ở Địa Trung Hải.
Thế nhưng, quân đội Nga có thể phản ứng hạn chế để tránh leo thang xung đột. Chẳng hạn, người Nga sử dụng trang thiết bị chiến tranh điện tử để quấy rối tàu chiến Mỹ, gây rối loạn việc thu nhận mục tiêu của chúng, khả năng xác định vị trí hoặc ngay cả các hệ thống phòng không AEGIS của chúng.
Mức độ thiệt hại gây ra có thể còn phải bàn cãi nhưng điều đó nhất định sẽ khiến cho việc phá hủy bất kỳ mục tiêu nào mà Mỹ nhắm đến ở Syria sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Bình luận (0)