Trang Vice.com cho biết Akademik Lomonosov – còn được gọi là "Chernobyl trên băng", sẽ bắt đầu hành trình kéo dài 4.800 km dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga về hướng Alaska hôm 23-8.
Động thái trên khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt là sau các vụ tai nạn chết người gần đây ở vùng biển phía Bắc của Nga liên quan đến phần cứng hạt nhân được thử nghiệm.
Các chuyên gia hạt nhân phương Tây vẫn đang thắc mắc vụ nổ động cơ tên lửa khiến 5 người thiệt mạng ở Nga hồi đầu tháng này có liên quan đến tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân hay không.
Akademik Lomonosov – còn được gọi là “Chernobyl trên băng”, sẽ bắt đầu hành trình kéo dài 4.800 km hôm 23-8. Ảnh: Reuters
Akademik Lomonosov được biết đến là nhà máy điện hạt nhân với thiết kế nổi. Moscow đã nghiên cứu về nhà máy này trong 1 thập kỷ và có kế hoạch sử dụng 2 lò phản ứng hạt nhân để cung cấp điện cho các hoạt động khai thác dầu mỏ, khí đốt và khai thác từ xa ở vùng Chukotka, Viễn Đông - Nga.
Đi kèm với nhà máy điện là các tiện ích bao gồm phòng tập thể dục, hồ bơi và quầy bar dành cho hơn 300 nhân viên. Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Nga (Rosatom) tuyên bố các lò phản ứng hạt nhân nổi "có biên độ an toàn rất lớn, tránh được sóng thần và thảm họa tự nhiên".
Ngược lại, tổ chức môi trường Greenpeace cảnh báo dự án của Nga không khác nào một "con tàu Titanic hạt nhân" và có thể gây ra thảm họa.
Theo Greenpeace, nếu tàu chở các lò phản ứng hạt nhân bị chìm, những thanh nhiên liệu bị nhấn trong nước biển có thể gây ra vụ nổ khiến đồng vị phóng xạ bay vào khí quyển, làm ô nhiễm môi trường biển địa phương trong nhiều năm tới.
Lo ngại của tổ chức này không phải không có cơ sở khi hơn 20 người Nga đã thiệt mạng ở vùng biển phía Bắc nước này trong các vụ tai nạn liên quan đến phần cứng hạt nhân công nghệ cao khoảng 2 tháng trở lại đây.
Hồi đầu tháng 7, một vụ hỏa hoạn xảy ra trên tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Losharik của Nga khiến 14 thuỷ thủ thiệt mạng do hít phải khói độc.
Bình luận (0)