Tổng thống Nga Vladimir Putin dự định rót ngân sách 20 tỉ USD cho kế hoạch đăng cai lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2018 tại quốc gia này. Số tiền sẽ được dùng để xây dựng sân vận động và cơ sở hạ tầng trải dài trên 2.400 km từ biển Baltic tới dãy núi Ural – cửa ngõ vào châu Á.
Trước đó, Moscow vừa tổ chức xong Thế vận hội tốn kém nhất trong lịch sử ở thành phố Sochi, với tổng kinh phí ước tính lên tới 51 tỉ USD. Vì thế, giới phân tích nhận định việc đăng cai World Cup có thể mang lại cơn đau đầu kinh tế cho ông Putin.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), có hơn 15 triệu người Nga sống dưới mức nghèo khổ. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như xây hệ thống tàu điện ngầm nối liền điểm thi đấu với các khách sạn, chỉ phục vụ nhu cầu ngắn hạn cho du khách chứ không phải nhu cầu lâu dài của người dân.
11 thành phố đăng cai World Cup của Nga và mỗi thành phố sẽ có ít nhất 1 sân vận động được xây dựng theo tiêu chuẩn khắt khe của FIFA. Mỗi sân vận động này tiêu tốn khoảng 200 - 800 triệu USD, chưa kể chi phí duy trì và bảo dưỡng khi World Cup kết thúc.
Các nhà phê bình Nga cho rằng ở 2 thành phố lớn là Moscow và St. Petersburg, việc bảo dưỡng còn có thể khả thi. Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng sân vận động tại thành phố phía Đông hẻo lánh Yekaterinburg còn nhiều vấn đề phải xem xét. Hiện sân vận động Yekaterinburg có sức chứa 27.000 chỗ, dự tính mở rộng lên 43.000 chỗ theo tiêu chuẩn của FIFA. Dù vậy, giải bóng đá địa phương hàng năm tại đây chỉ có tối đa 13.188 người đến tham dự.
Những chỉ trích tương tự nhằm vào sự hoang phí của nước chủ nhà Brazil tại kỳ World Cup 2014 vừa qua, như việc chi 220 triệu USD để xây sân vận động Arena da Amazônia (thành phố Manaus) nằm giữa khu rừng Amazon. Địa điểm này chỉ tổ chức 4 trận bóng đá trong khuôn khổ World Cup, trong khi cả thành phố chẳng hề có lấy một đội bóng nào.
Nhưng nhiều người Nga không quan tâm chính phủ mất bao nhiêu tiền để đăng cai tổ chức World Cup, đơn giản bởi họ cảm thấy cần những sự kiện lớn như vậy để nâng cao uy tín đất nước trong cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, việc tổ chức tốt sự kiện thể thao tầm cỡ kể trên là cơ hội tốt để ông Putin có thêm sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018, nếu ông có ý định ra tranh cử lại. Đây cũng là cơ hội quý giá giúp nhà lãnh đạo Nga lấy lại uy tín sau vụ sáp nhập Crimea gây tranh cãi, bất chấp kinh tế Nga đang trong giai đoạn đình trệ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận tình hình Ukraine trước thềm World Cup 2018. Ảnh: DPA
Trước thềm World Cup, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có buổi gặp gỡ và thảo luận về tình hình Ukraine. Bà Merkel kêu gọi ông Putin sử dụng ảnh hưởng giúp chấm dứt cuộc xung đột tại miền Đông quốc gia láng giềng. Cả 2 nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập nhóm liên lạc để lập lại hòa bình ở Ukraine.
Bình luận (0)