Nga hôm 29-11 đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đồng thời cam kết dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với thực phẩm của khối này. “Nga không hy vọng bất kỳ điều gì từ các đối tác châu Âu. Điều duy nhất mà Nga mong đợi là châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vô nghĩa nhằm vào Moscow. Đổi lại, Nga cũng sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với thực phẩm của EU” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Meshkov cho biết.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi EU quyết định đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh đối với 13 người Ukraine bị cáo buộc tổ chức cuộc bầu cử gây tranh cãi ở miền Đông Ukraine hôm 2-11.
Tuy nhiên, ông Jean-Claude Juncker, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhận định khó có khả năng EU dỡ bỏ trừng phạt Nga trừ khi nước này có động thái tích cực nhằm ổn định tình hình ở Ukraine.
Theo ông, việc Nga sáp nhập khu vực Crimea của Ukraine vào Nga hồi tháng 3 đã buộc châu Âu đưa ra 2 chọn lựa: chiến tranh với Nga hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. “Nếu không muốn chiến tranh, chỉ còn giải pháp áp đặt các lệnh cấm vận và phải chọn lựa các lệnh cấm nào mang đến tác động lớn nhất” - ông Juncker nói với đài phát thanh RTL (Luxembourg).
Một cử tri Moldova bỏ phiếu ở thủ đô Chisinau hôm 30-11
Ảnh: Reuters
Kể từ cuối tháng 7-2014, EU và Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, quốc phòng của Nga với cáo buộc Moscow đã ủng hộ phe ly khai ở miền Đông Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây, cộng với việc giá dầu giảm, khiến Nga thiệt hại 130-140 tỉ USD mỗi năm. Đáp lại, Nga cũng cấm nhập khẩu hầu hết thực phẩm từ phương Tây, có trị giá khoảng 9 tỉ USD/năm. Thứ trưởng Meshkov ước tính EU sẽ bị thiệt hại 50 tỉ USD vào năm tới do các biện pháp trừng phạt Moscow của khối này.
Sau Ukraine, quan hệ Nga - EU tiếp đối mặt thử thách mới từ cuộc bầu cử quốc hội hôm 30-11 ở Moldova, nơi chứng kiến sự đối đầu quyết liệt giữa một liên minh các đảng thân EU và những đảng ủng hộ tăng cường quan hệ với Nga. Khoảng 2,7 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu bầu quốc hội mới gồm 101 thành viên.
Căng thẳng đã xuất hiện trước thềm bầu cử khi Tòa án Tối cao Moldova giữ nguyên lệnh cấm Đảng Tổ quốc thân Nga tham gia do bị cáo buộc nhận tài trợ bất hợp pháp từ nước ngoài. Quyết định này đã dẫn đến sự chỉ trích mạnh mẽ của Moscow.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phe ủng hộ phương Tây đang thắng thế ở Moldova. Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Iurie Leanca mong muốn Moldova trở thành thành viên đầy đủ của EU vào năm 2020. Trong khi đó, theo hãng tin AP, 2 đảng thân Nga còn lại ở Moldova, gồm Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội, tìm cách thu hút lá phiếu của những cử tri đang nổi giận với tình trạng tham nhũng ở nước này. Ông Vladimir Voronin, chủ tịch Đảng Cộng sản Moldova, cam kết loại bỏ “nạn tham nhũng và bọn tội phạm mafia” đang cản trở đất nước phát triển.
Cuộc bầu cử nêu trên còn thu hút nhiều sự quan tâm bởi Moldova đang chịu sức ép của Nga sau khi ký thỏa thuận liên kết về thương mại với EU hồi tháng 6. Nga đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu trái cây Moldova sau khi bước đi này diễn ra. Ngoài ra, đất nước chưa đến 4 triệu dân này còn có vùng ly khai Trans-Dniester ủng hộ Nga ở miền Đông, tương tự Ukraine. Theo đài BBC, cư dân vùng này không tham gia bỏ phiếu.
Bình luận (0)