Tuần trước, một quan chức Israel tiết lộ "Nga đề nghị cho lực lượng Iran đóng tại vị trí cách Cao nguyên Golan (do Israel kiểm soát) ít nhất 100 km ".
Đề nghị được đưa ra trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Tuy nhiên, Tel Aviv gọi đề xuất này là chưa đủ.
Hôm 30-7, Đại sứ Nga tại Israel Anatoly Viktorov khẳng định Moscow không thể buộc lực lượng Iran rời khỏi Syria. "Họ đang đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực tiêu diệt khủng bố ở Syria. Đó là lý do vào thời điểm này, chúng tôi xem mọi đề xuất buộc các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Syria là không thực tế" - ông Viktorov nói.
"Chúng tôi có thể nói chuyện với Iran thẳng thắn và công khai, cố gắng thuyết phục họ làm hoặc không làm điều gì đó nhưng chúng tôi không thể buộc lực lượng Iran rời khỏi Syria" – ông Viktorov nói thêm.
Đại sứ Nga tại Israel Anatoly Viktorov (thứ hai từ phải qua) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (thứ hai từ trái qua). Ảnh: GPO
Đại sứ Nga tại Israel cũng phản đối các cuộc tấn công vào Syria song thừa nhận Nga không thể cấm Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại đây: "Nga có thể sẽ không ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel chống lại lực lượng Iran tại Syria".
Iran cùng với Nga và phong trào Hezbollah ở Lebanon đang ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua.
Với việc quân đội Syria gần như hoàn toàn kiểm soát các khu vực phía Tây Nam, giáp Cao nguyên Golan, ông Viktorov nói với Kênh 10 của Israel rằng chỉ có lực lượng Syria mới được phép triển khai ở đó.
Hồi năm 2015, Nga và Israel thiết lập đường dây nóng quân sự để giúp hai bên tránh đụng độ tại Syria. Dù thể hiện vai trò trung lập trong cuộc nội chiến Syria nhưng Israel đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các đoàn xe nghi chở vũ khí của Iran và phong trào Hezbollah tại Syria.
Đặc phái viên LHQ tại Syria Staffan de Mistura trong một cuộc đàm phán về tình hình Syria. Ảnh: Reuters
Cùng ngày 30-7, phái đoàn Syria và phe đối lập nước này đã tới TP Sochi – Nga để bắt đầu tiến trình đàm phán. Tham dự cuộc họp còn có Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Syria Staffan de Mistura và các quan chức Jordan.
Dẫn đầu phái đoàn đối lập Syria là Ahmed Tumah, một cựu lãnh đạo Syria. Bên phía chính phủ Syria cử đại điện Bashar Jaafari, hiện là đại sứ Syria tại LHQ.
Nội dung các cuộc đàm phán bao gồm giải quyết vấn đề nhân đạo và thảo luận về khu vực xuống thang căng thẳng ở Syria. Trọng tâm các cuộc đàm phán còn bao gồm đưa người tị nạn Syria trở lại quê hương, thả tù nhân và thành lập ủy ban viết lại hiến pháp Syria, đài Aljazeera cho biết.
Bình luận (0)