Nếu quan sát ngôn ngữ cơ thể của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa họ tại thủ đô Helsinki - Phần Lan gần đây, bạn có thể thắc mắc: Ai mới là người lãnh đạo một siêu cường?
Rõ ràng, ông Trump đại diện cho một đất nước hiện mạnh hơn Nga của ông Putin rất nhiều. Nhưng đó là nghịch lý của sức mạnh Nga: Ảnh hưởng mà họ có được nằm ở chỗ họ yếu hơn.
Chúng ta thường cho rằng nước nào có các nguồn lực kinh tế và quân sự mạnh hơn thì ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, nắm trong tay những năng lực vượt trội không có nghĩa là luôn có được điều mình muốn, bởi nước mạnh thường làm nảy sinh tâm lý kháng cự ở những nước khác.
Không ai thấu hiểu sự mong manh của Nga hơn Putin và cũng không ai kiên quyết tạo dựng uy tín của đất nước hơn ông Ảnh: SPUTNIK
Vào thời cao trào của chiến tranh lạnh (thập niên 1960 và 1970), Liên Xô là một siêu cường toàn cầu thực thụ. Trải rộng khắp Đông Âu, Liên Xô sở hữu lực lượng quân sự lớn nhất thế giới và có GDP bằng khoảng phân nửa Mỹ.
Thế nhưng, sức mạnh của Liên Xô thay vì mang tới ảnh hưởng lại trở thành chất keo gắn kết phương Tây. Việc Hồng quân Liên Xô đóng quân cách sông Rhine (con sông bắt nguồn từ Thụy Sĩ, chảy qua Pháp, Đức và Hà Lan) chưa tới 160 km đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của liên minh quân sự NATO cũng như hình thành Liên minh châu Âu (EU). Xa hơn, năng lực của Liên Xô còn khiến 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ phải bắt tay nhau để cùng đối phó.
Khi chiến tranh lạnh nguội dần, Liên Xô yếu đi đáng kể và đành để mất Đông Âu. Với việc Liên Xô tan rã, Nga mất đi một nửa dân số trong khi NATO và EU tiếp tục mở rộng, đưa phương Tây dấn thẳng vào phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Ngày nay, GDP của Nga đạt khoảng 1.580 tỉ USD, chỉ tương đương vùng đô thị New York của Mỹ và chưa bằng 1/12 GDP toàn nước Mỹ. Nước Nga hiện phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu năng lượng và đối mặt tỉ lệ sinh sụt giảm. Không có gì lạ khi ông Putin gọi sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ".
Oái oăm thay, sức mạnh suy giảm của Nga tạo ra một trường ảnh hưởng mới. Liên Xô tan rã lại trở thành một cuộc khủng hoảng hiện hữu cho liên minh phương Tây. Năm 2003, thủ tướng Bỉ viết: "Khi các đơn vị quân sự của Liên Xô có khả năng đến được Rhine trong vài giờ, chúng ta hiển nhiên có mối quan hệ máu thịt với các anh em ở nước ngoài. Nhưng khi chiến tranh lạnh qua đi, chúng ta bộc lộ bất đồng ý kiến nhiều hơn".
Trong chiến dịch quân sự nhằm vào Libya năm 2011, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama chỉ trích các đồng minh "tự tung tự tác". Tổng thống Mỹ hiện giờ, ông Trump, thậm chí gọi NATO là "lỗi thời".
Sự suy yếu của Nga làm xói mòn EU và thúc đẩy sự kiện Brexit (Anh rời EU). Liên Xô biến mất không chỉ làm lỏng lẻo liên minh phương Tây mà còn khơi sâu chia rẽ giữa EU và Mỹ. Chính trường Mỹ vốn ngày càng phân cực và phân chia đảng phái dưới tác động của các yếu tố như toàn cầu hóa, tự động hóa, tình trạng nhập cư... thì nay lại "chia năm xẻ bảy" nhiều hơn khi thiếu vắng một kẻ thù chung.
Vậy là, so với thời Liên Xô vàng son, ông Putin có nhiều đòn bẩy thỏa hiệp. Nước Nga của ông yếu hơn nhưng bù lại, các đối thủ lại thiếu đoàn kết và có nhiều bất đồng. Biết người biết ta, chiến lược của ông Putin là tránh đối đầu trực tiếp với các đối thủ mạnh - như Mỹ và EU; đổi lại, Nga khuấy động sự chia rẽ giữa phương Tây - và giữa châu Âu với Mỹ - bằng các phương thức như chiến tranh tâm lý, tuyên truyền và chiến tranh mạng.
Gây sức ép đúng liều lượng - điều mà bất cứ đặc vụ KGB kỳ cựu nào cũng làm - là một nghệ thuật. Moscow phải sử dụng vừa đủ lực để làm rạn vỡ đối thủ nhưng lại không được quá mức để bị phản đòn. "Tấn công email của Đảng Dân chủ" trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đạt đến độ "chín" cần thiết, đủ để nhiều người trong Đảng Cộng hòa kết luận rằng "họ" bị tấn công chứ không phải "chúng ta". Nếu đòn tấn công mạng của Nga mạnh tương đương cú đột kích Trân Châu cảng thì có thể cả nước Mỹ đã đoàn kết lại để phản công.
Ở thế yếu hơn trên trường quốc tế nên Moscow cũng cực kỳ thực tế và thực dụng. Họ không cần một cuộc thập tự chinh để xây dựng ngọn đèn soi đường tự do ở Iraq. Kiểu chiến tranh tốn kém như thế chỉ có siêu cường mới đảm đương nổi.
Ngược lại, ông Putin sử dụng lực lượng rất tính toán, đồng thời giảm bớt các thỏa thuận địa phương và sử dụng chiến thuật đàm phán với tất cả: từ người Israel, người Syria tới người Kurd, người Iran. Ở Ukraine, Moscow hậu thuẫn phe ly khai ở miền Đông và ông Putin khéo léo giữ cuộc xung đột sôi âm ỉ - giúp ông vừa tối ưu hóa các đòn bẩy chính trị vừa thể hiện mình là một nhà trung gian hòa giải không thể thiếu vắng.
Không ai thấu hiểu sự mong manh của Nga hơn Putin và cũng không ai kiên quyết hơn ông trong việc tạo dựng hình ảnh uy tín toàn cầu cho nước mình. Cứ thế, tầm nhìn trở thành điều cốt yếu: Hãy nhìn màn thể hiện tự tin của ông tại thượng đỉnh Helsinki là đủ hiểu!
Ngay cả các thảm họa địa chính trị kinh khủng nhất cũng có mặt tích cực. Mất đi một đế chế lại có thể khơi nguồn cho tiến trình giải phóng sức mạnh.
Bình luận (0)