Hành động giải trừ quân bị nói trên được tiến hành theo thỏa thuận mang tên Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) giữa Moscow và Washington.
Tàu ngầm Arkhangelsk TK-17. Ảnh: Rusnavy
Theo thỏa thuận này, hãng đóng tàu hàng đầu của Nga Zvezdochka ở thành phố Severodvinsk sẽ chịu trách nhiệm lột bỏ hệ thống tên lửa của chiếc Arkhangelsk, hãng thông tấn TASS cho hay hôm 11-3.
“Chúng tôi sẽ bỏ toàn bộ bệ phóng tên lửa trên tàu ngầm và niêm phong chúng lại, do đó không thể sử dụng vũ khí tên lửa của con tàu. Chúng tôi chưa thể nói về việc tháo dỡ tàu ngầm. Hoạt động này vẫn chưa được thông báo” – tuyên bố từ Arkhangelsk cho biết.
Theo cơ quan hạt nhân Nga Rosatom, việc giải trừ quân bị tàu ngầm hạt nhân nói trên ước tính mất khoảng 28 triệu ruble (tương đương 400 ngàn USD).
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo năng lượng hạt nhân Arkhangelsk TK-17 được thiết kế năm 1987 trong Dự án 941 ‘Shark’ (hay còn được gọi là ‘Typhoon’ theo phân loại của NATO). Dự án này nhằm trang bị cho Hải quân Xô viết các tàu ngầm tên lửa đạn đạo năng lượng hạt nhân. Và kết quả là một đội tàu ngầm lớn nhất của lớp này ra đời. Mỗi chiếc đủ chỗ cho thủy thủ đoàn 179 người “lặn” dưới đáy biển nhiều tháng, và trữ kho vũ khí với 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Ba trong số sáu chiếc tàu ngầm lớp Typhoon này được đóng vào những năm 1980 và đã bị tháo dỡ ở các xưởng đóng tàu ở Severodvinsk. Trong ba chiếc còn lại, hai chiếc Arkhangelsk và Severstal đã được lên kế hoạch tháo dỡ. Chiếc “sống sót” cuối cùng là Dmitri Donskoi gần đây được đưa vào quy trình hiện đại hóa và hiện đã được trang bị để thử nghiệm hệ thống tên lửa Bulava tối tân.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) được đưa ra nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ đi vào hiệu lực năm 2011. Hiệp ước này thay thế cho thỏa thuận trước đó năm 1991. Nó đưa ra mức trần thấp hơn đối với số lượng đầu đạn hạt nhân và hệ thống tên lửa được triển khai.
Bình luận về những tiến triển của hiệp ước này trong lễ kỉ niệm 5 năm đi vào hiệu lực hồi tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng cả hai bên đã hợp tác thành công trong lĩnh vực này.
“[Hiệp ước New START] tiếp tục là lĩnh vực hợp tác và đối thoại giữa Mỹ và Nga. Tôi chia sẻ niềm tin mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng hai quốc gia chúng ta – vốn đi đầu trong kỉ nguyên vũ khí hạt nhân, có trách nhiệm đặc biệt nhằm dẫn thế giới vượt qua nó” – ông Kerry nói trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, theo RT, những động thái mới nhất của Mỹ, như các kế hoạch nâng cấp bom chiến lược 180 B61s ở các căn cứ không quân châu Âu thành phiên bản hiện đại hóa B61-12, đã làm dấy lên những nghi ngờ liệu Mỹ có toàn tâm toàn ý với Hiệp ước Không Phố biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Bình luận (0)