Interfax dẫn nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga nói 2 tàu trên - gồm 1 tàu chống tàu ngầm và 1 tàu tuần dương trang bị tên lửa - có thể được phái đi trong vài ngày tới vì “tình hình đòi hỏi chúng tôi phải có sự điều chỉnh” trong lực lượng hải quân ở khu vực trên. Trước đây Nga thường xuyên duy trì sự hiện diện của 5 tàu chiến ở khu vực, nhưng nay cần phải tăng cường lực lượng.
Theo nguồn tin, các tàu trên tăng viện cho sư đoàn tác chiến thường trực của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải. Các tàu chống ngầm hạng nặng có thể đến từ Hạm đội Biển Bắc, còn tàu tuần dương là tàu Moskva của Hạm đội Biển Đen. Tàu này đang làm nhiệm vụ ở phía Bắc Đại Tây Dương và sẽ đến khu vực gần bờ biển Syria trong thời gian tới.
Cũng theo tiết lộ của nguồn tin này, vào mùa thu năm nay tuần dương hạm tên lửa Varyag, soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, cũng sẽ có mặt ở Địa Trung Hải để làm nhiệm vụ thường kỳ.
Tàu sân bay USS Harry S Truman đã đến biển Ả Rập. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, hải quân Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện ở vùng Vịnh Persian, đồng thời gia tăng số lượng tàu sân bay từ 1 lên 2 tàu. Theo AP, tàu sân bay USS Harry S Truman đã tới biển Ả Rập và sẽ thay thế cho tàu sân bay USS Nimitz chuẩn bị về nước. Tuy nhiên, hải quân Mỹ đã chỉ thị cho tàu Nimitz lưu lại vùng Vịnh Persian.
Các quan chức Mỹ giấu tên đánh giá đây là một bước đi cẩn trọng song phủ nhận tàu sây bay Mỹ sẽ đóng vai trò trong bất cứ các cuộc tấn công tiềm tàng nào nhằm vào Syria.
Trong số các diễn biến mới nhất ngày 29-8 là Thủ tướng Anh David Cameron buộc phải hoãn kế hoạch không kích Syria do vấp phải sự phản đối dữ dội của cả Công đảng đối lập lẫn các nghị sĩ nổi loạn trong chính Đảng Bảo thủ của ông. Nguyên nhân của sự phản đối là “lo ngại sâu sắc” về sự lặp lại của một cuộc chiến Iraq thứ hai.
Tờ Telegraph dẫn lời ông Cameron cho biết ông sẽ chờ báo cáo của các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc đang ở Syria và tiếp đó sẽ chờ đợi sự thông qua của quốc hội trước khi “trực tiếp dính líu” vào Syria.
Trung Quốc tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế. Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh phản đối sử dụng vũ khí hóa học song cho rằng hành động quân sự không thể cải thiện tình hình. “Ngay từ đầu giải pháp chính trị đã là lối thoát duy nhất cho Syria” - ông Vương nhấn mạnh.
Anh phải tạm dừng kế hoạch tấn công Syria để chờ báo cáo của thanh sát viên Liên Hiệp Quốc. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Iran vẫn chĩa mũi dùi về Israel. Theo Itar-Tass, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm al-Kuds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran - Tướng Tư lệnh al-Kuds Kasem Suleimani - tuyên bố: “Tên lửa Syria sẽ tấn công Tel Aviv để đáp trả mỗi quả tên lửa bắn vào Damascus”.
Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rohani cảnh báo về những hậu quả "tàn khốc" và các tác động đối với toàn khu vực nếu Mỹ và các nước đồng minh phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria. "Bất kỳ hành động phiêu lưu nào trong khu vực sẽ gây nguy hiểm không thể khắc phục đối với sự ổn định của khu vực và thế giới, đồng thời sẽ chỉ làm lây lan chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố trong khu vực” - ông Rohani nói.
Hezbollah cũng không ngoài cuộc. Đại diện nhóm này tuyên bố: “Ban lãnh đạo Hezbollah sẽ phản ứng không chậm trễ trước cuộc xâm lược Syria. Sức mạnh sự trả đũa sẽ phụ thuộc vào quy mô cuộc tấn công của NATO vào Syria”.
Trong một diễn biến khác, Tehran bác bỏ thông tin gia đình ông Assad chạy sang Iran do tờ al-Nahar của Lebanon loan tin. Theo tờ báo, cùng đi với gia đình ông Assad là một đoàn quan chức chính phủ cấp cao. Về danh nghĩa, phái đoàn này đến Tehran để bàn cách phản ứng trước cuộc tấn công tiềm tàng của phương Tây. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran đã ngay lập tức bác bỏ gọi đây là “chuyện nực cười”.
Bình luận (0)