Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dự kiến thành lập cái gọi là “Lực lượng không gian” để tăng cường hiện diện trên các quỹ đạo thấp (gần trái đất).
Theo báo Washington Times mới đây, đơn vị này là một phần của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược PLA vừa ra đời vào ngày cuối năm 2015, trong đó có các bộ phận tên lửa hạt nhân chiến lược, thông tin điện tử, chiến tranh mạng, tình báo điện tử và tín hiệu.
Mục tiêu đánh bại Mỹ
Ông Rick Fisher, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược quốc tế (Mỹ), cho rằng nhiệm vụ chính của lực lượng không gian nêu trên là “kiểm soát quỹ đạo thấp để đánh bại lực lượng Mỹ trên trái đất”.
Theo ông Fisher, bên cạnh loại tên lửa chống vệ tinh phóng từ trái đất, các vũ khí không gian khác của Bắc Kinh có thể bao gồm vũ khí chống vệ tinh bắn từ máy bay, máy bay ném bom quỹ đạo thấp, tàu con thoi phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự…
Hồi tháng 11-2015, Trung Quốc lần thứ 6 phóng thử vũ khí siêu thanh WU-14 nhưng không tiết lộ kết quả. Bắc Kinh cũng thường xuyên thử nghiệm các loại tên lửa chống vệ tinh. Đến nay, chưa có số liệu chính xác về mức độ PLA sử dụng vũ khí không gian mạng để làm gián đoạn, hư hỏng các bộ cảm biến và mạng của quân đội Mỹ.
Cũng theo ông Fisher, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc dự định đưa phi hành gia lên mặt trăng vào cuối những năm 2020 hoặc đầu những năm 2030 và sứ mệnh này sẽ bao gồm yếu tố quân sự. “Nước này đang có những bước tiến tốt và trong vòng 10-20 năm sau, họ sẽ được sánh với Nga và Mỹ trong lĩnh vực không gian, thậm chí có thể vượt qua ở một số mặt” - ông Peter Bond, biên tập viên của tạp chí Công nghiệp và Hệ thống vũ trụ Jane’s, dự báo.
Chỉ huy trực tiếp
Ngoài Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược PLA, Quân ủy Trung ương Trung Quốc còn quyết định thành lập Lực lượng Tên lửa PLA và Bộ Tổng Tư lệnh Lục quân PLA.
Tân Hoa Xã cho biết một trong những mục tiêu của nỗ lực cải tổ quân đội mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo đuổi là thành lập cấu trúc chỉ huy chung vào năm 2020; giảm 300.000 người trong quân đội; 5 vùng chiến lược sẽ thay thế 7 đại quân khu; hải quân, không quân và lục quân sẽ có vai trò ngang nhau. Loại bỏ vũ khí cũ và phát triển vũ khí mới, giảm số lượng phiên bản vũ khí mà quân đội sử dụng cũng là một điểm nổi bật của cải cách.
Theo Thời báo Hoàn cầu, cơ cấu vận hành hệ thống quản lý và chỉ huy quân đội Trung Quốc sẽ hoàn toàn khác trước một khi cải cách hoàn tất. Mệnh lệnh tác chiến trong chiến tranh sẽ được ban hành trực tiếp từ chủ tịch Quân ủy Trung ương xuống tư lệnh 5 chiến khu, 4 quân chủng và xuống thẳng đơn vị tham chiến, ngoài ra không có cấp trung gian nào khác.
Trong công tác huấn luyện, mệnh lệnh sẽ được ban hành từ Quân ủy Trung ương xuống quân chủng và xuống đơn vị thực hiện. Với cơ chế mới này, Chủ tịch Quân ủy trung ương - hiện là ông Tập - sẽ nắm quyền lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp và tuyệt đối với tất cả đơn vị chủ lực, trọng yếu mà không cần qua Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu xuống đại quân khu hay các tập đoàn quân như trước.
Nỗ lực cải tổ quân đội của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong tranh chấp lãnh hải trên biển Đông và biển Hoa Đông. Hải quân Trung Quốc đang tăng số lượng tàu ngầm và hàng không mẫu hạm, trong khi không quân phát triển máy bay tàng hình.
“Ngũ hổ tướng”
Tờ Liên Hợp của Đài Loan đưa tin “ngũ hổ tướng” của ông Tập Cận Bình được chỉ định vào các vị trí mới. Cụ thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Trang bị Trương Hựu Hiệp trở thành Cục trưởng Cục Hậu cần, Tư lệnh Quân khu Nam Kinh Sái Anh Đĩnh nắm Bộ Tham mưu liên hợp, Tư lệnh Đại quân khu Bắc Kinh Tống Phổ Tuyển sẽ giữ chức Tư lệnh Chiến khu Trung tâm hoặc Tư lệnh Chiến khu Bắc. Riêng Tư lệnh Cảnh sát Vũ trang Vương Ninh tiếp tục giữ chức vụ hiện thời. Nhiều nguồn tin loan báo Chính ủy Tổng cục Hậu cần, tướng Lưu Nguyên, chủ động xin rút khỏi Quân ủy Trung ương để hỗ trợ ông Tập trong công tác bố trí nhân sự cấp cao.
Bình luận (0)