Lãi suất cơ bản ở Nga được điều chỉnh tăng vọt từ 10,5% lên 17% từ ngày 16-12 nhằm chặn đà rớt giá của đồng rúp giữa bối cảnh giá dầu giảm, nguy cơ suy thoái kinh tế và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang đè nặng lên kinh tế Nga.
Biện pháp này giúp đồng rúp “trồi” lên, 58 rúp = 1 USD vào đầu ngày 16-12. Nhưng đến cuối ngày, trên sàn giao dịch Moscow, 80 rúp mới “ăn” được 1 USD và đến 100 rúp mới đổi được 1 euro - mức rớt giá sâu nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 1998.
Chỉ trong ngày 16-12, đồng rúp Nga mất khoảng 11% giá trị, còn trong 1 tuần qua thì mất tới 20% giá trị. Con số này từ đầu năm đến nay là gần 60%. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ kinh tế Nga rơi vào suy thoái sâu từ năm sau càng hiển hiện bởi lãi suất cho vay cao sẽ ghì chặt đà tăng trưởng.
Phó chủ tịch thứ nhất của CBRF, ông Sergei Shvetsov, gọi sự trượt giá mới là “tình hình nguy kịch” và CBRF sẽ phải có thêm biện pháp cứu vãn. “Cách đây 1 năm, chúng tôi không thể tưởng tượng nổi cơn ác mộng tệ hại này” – hãng tin Interfax dẫn lời ông Shvetsov hôm 16-12.
Trước khả năng mất đi 2 trụ cột quyền lực - ổn định tài chính và sự thịnh vượng, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sớm gặp phải cơn đau đầu chính trị. Kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine từ tháng 3 năm nay, ông Putin luôn nhận được tỉ lệ ủng hộ cao ngất – trên 80%.
Nhưng nếu kinh tế tiếp tục ảm đạm, tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn sẽ dần bị ảnh hưởng, sau đó lan đến những lực lượng ủng hộ ông Putin tại các tỉnh. “Tôi nghĩ ông ấy vẫn giữ được sự ủng hộ trong vòng 1 – 1,5 năm nữa. Chúng ta sẽ thấy những dấu hiệu bất mãn đầu tiên vào mùa xuân tới” – ông Lev Gudkov, người đứng đầu nhóm thăm dò độc lập Trung tâm Levada, nhận định.
Tình hình buộc ông Putin, Thủ tướng Dmitry Medvedev và Thống đốc CBRF Elvira Nabiullina nhanh chóng hành động. Tuy nhiên, theo Reuters, lựa chọn của họ bị hạn chế.
CBRF đã có 3 lần tăng lãi suất cơ bản lớn trong 2 tháng qua. Giới chức Nga nói làm vậy sẽ giúp các hoạt động xuất khẩu chính như dầu, khí đốt, kim loại, ngũ cốc… thu về nhiều tiền rúp hơn, qua đó tăng cường tổng thu nhập liên bang. Nhưng ngược lại, việc trả các khoản nợ quốc tế sẽ đắt giá hơn. Trong năm 2015, các công ty và ngân hàng Nga phải trả các khoản nợ có tổng giá trị 120 tỉ USD.
Từ phải sang: Ông Putin họp cùng Thủ tướng Dmitry Medvedev , Chủ tịch Duma Sergey Naryshkin
và Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev hôm 16-12. Ảnh: Business Insider
Sau cuộc họp khẩn ngày 16-12 do Thủ tướng Medvedev triệu tập, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev khẳng định chính phủ nước này không có ý định áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt để hạn chế việc mua bán ngoại tệ. “Chúng tôi sẽ tìm cách đảm bảo cán cân cung cầu trên thị trường trao đổi ngoại tệ trong nước” – ông Ulyukayev nói.
Dòng vốn chảy khỏi Nga có thể vượt quá 100 tỉ USD trong năm 2014 và 2015. CBRF khó lòng thu hút vàng và ngoại tệ để “bơm” đồng rúp lên. Dự trữ của Nga đã rớt xuống còn khoảng 416 tỉ USD, so với hơn 509 tỉ USD hồi đầu năm nay.
Trước tình cảnh giá dầu lọt xuống dưới 60 USD/thùng, ông Igor Bukharov – chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và khách sạn – nói với Reuters: “Không ai dám đầu tư thêm nữa cho đến khi chúng tôi nhìn ra rõ mình đang ở trong tình thế như thế nào”.
Bình luận (0)