Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin hôm 4-3 ra lệnh cho binh sĩ đang tập trận gần biên giới với Ukraine trở về căn cứ. Động thái này xoa dịu nỗi lo ngại Nga rằng tiến sâu hơn vào lãnh thổ láng giềng.
"Yanukovych không còn tương lai chính trị"
Tại cuộc họp báo sau đó cùng ngày ở Moscow, ông Putin tuyên bố Nga không cần sử dụng vũ lực ở Crimea cũng như không có ý định sáp nhập bán đảo tự trị này. Ông cho hay các đơn vị vũ trang “lạ” có mặt ở Crimea là tự vệ địa phương, không phải lính Nga.
Theo TT Putin, Nga vẫn đang chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Sochi vào tháng 6 tới song các nhà lãnh đạo phương Tây “không nhất thiết phải dự” nếu không muốn. Riêng về TT Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych, ông Putin dứt khoát nói ông này không còn tương lai chính trị.
Binh lính Ukraine ngồi chờ tại sân bay Belbek - Crimea trong lúc chờ đàm phán với lính Nga hôm 4-3...
Ảnh: REUTERS
Đối với các món nợ của Ukraine, TT Putin nhấn mạnh láng giềng sẽ nợ Nga chẵn 2 tỉ USD nếu không trả đủ khoản tiền mua khí đốt trong tháng 2-2014. Để tăng thêm sức ép, Tập đoàn Khí đốt Gazprom của Nga tuyên bố thôi giảm giá cho Ukraine từ tháng 4-2014.
Trong khi đó, không có nhiều biến động về quân sự tại Crimea ngày 4-3. Thời hạn của một tối hậu thư buộc lực lượng Ukraine đầu hàng - mà Nga bác bỏ - đã trôi qua bình yên. Dù vậy, các trụ sở của hải quân Ukraine tại thành phố cảng Sevastopol vẫn bị các tay súng thân Nga bao vây. Đặc biệt, tại căn cứ không quân Belbek ở Sevastopol, binh lính theo Nga đã bắn những phát súng chỉ thiên cảnh cáo đầu tiên để ngăn khoảng 300 binh lính Ukraine đến gần.
Phương Tây yếu thế
Rõ ràng Nga đang thắng thế trong “phi vụ” Ukraine bất chấp việc Mỹ bắt đầu hiện thực hóa đe dọa đáp trả. Phát biểu hôm 3-3, TT Mỹ Barack Obama cáo buộc Nga “phạm sai lầm lịch sử” ở Ukraine và cho hay “Mỹ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm cô lập Nga”.
Washington đã ngưng các đàm phán thương mại và đầu tư cũng như đóng băng hợp tác quân sự với Nga. Có tin Thượng viện Mỹ đã bắt đầu xem xét phong tỏa tài sản của các cá nhân, tổ chức của Nga và cấm các quan chức Nga đến nước này. Không mạnh miệng bằng song Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đe dọa cấm vận vũ khí Nga nếu không đạt được thỏa thuận về Ukraine.
Người dân Kiev theo dõi cuộc họp báo của Tổng thống Nga Putin hôm 4-3. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Kerry đến Kiev ngày 4-3. Ảnh: Reuters
Trên mặt trận ngoại giao, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến gặp Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, tại Madrid - Tây Ban Nha ngày 4-3. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Kiev tìm phương thức đàm phán cho Nga và Ukraine với sự chứng kiến của nhiều tổ chức đa phương.
Những lợi thế về quân sự cộng với việc cung cấp khoảng 25% lượng khí đốt cho EU đang đặt Nga ngồi vào "chiếu trên". Theo Reuters, trong các cuộc đàm phán sắp tới, Nga sẽ ép Ukraine quay lại thực hiện hiệp ước ký ngày 21-2 giữa ông Yanukovych và các thủ lĩnh đối lập, cụ thể là: cải cách hiến pháp, thay thế chính phủ lâm thời Kiev bằng một liên minh có đại diện của mọi thế lực chính trị ở Ukraine và bầu cử tổng thống dời đến tháng 12-2014.
Không trọn vẹn
Cán cân nghiêng về Nga, điều này không phải bàn cãi song không hoàn toàn trọn vẹn. Theo trung tâm thăm dò WCIOM của Điện Kremlin, có đến 73% trong số 1.600 người Nga được hỏi phản đối Nga can thiệp quân sự vào Urkaine. Ngay cả đồng minh thân thiết của Nga là Kazakhstan cũng lần đầu tiên trái ý Moscow khi kêu gọi các bên thôi dùng vũ lực ở Ukraine hôm 3-3.
Bên cạnh đó, kinh tế Nga đang “sổ mũi” nặng vì hậu quả của chiến dịch quân sự. Trong ngày 3-3, thị trường chứng khoán Moscow sụt giảm 10,8%, đồng nghĩa với việc các công ty Nga mất trắng gần 60 tỉ USD - hơn tổng số tiền nước này đổ vào Thế vận hội mùa đông Sochi vừa qua. Riêng Tập đoàn Khí đốt Gazprom - vốn đóng góp gần 1/4 số thu thuế của Nga - mất 15 tỉ USD giá trị thị trường chỉ trong 1 ngày, đúng bằng gói cứu trợ kinh tế mà Nga ký với Ukraine vào tháng 12-2013.
Bình luận (0)