"Nga có thể là một trong những nước đầu tiên sản xuất được vắc-xin Covid-19 trong bối cảnh Mỹ và tất cả công ty dược đang nghiên cứu về nó được đầu tư hàng tỉ USD" - trích lời ông Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), công ty tài trợ cho nỗ lực tạo ra vắc-xin của nước này.
Tổng thống Vladimir Putin đã đặt mục tiêu chế tạo vắc-xin là ưu tiên hàng đầu khi Nga ghi nhận hơn 750.000 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 4 trên thế giới.
Bình luận của ông Dmitriev được đưa ra sau khi Anh, Mỹ và Canada tố cáo các tin tặc làm việc với nhóm APT29, một nhóm thuộc tình báo quân đội Nga, sử dụng mã độc để đánh cắp các nghiên cứu về vắc-xin.
Đáp lại cáo buộc này, ông Dmitriev khẳng định Nga không cần phải đánh cắp thông tin từ các đối thủ vì họ đã ký một thỏa thuận với AstraZeneca để sản xuất vắc-xin Covid-19 của Trường ĐH Oxford tại R-Pharm, một trong những công ty dược phẩm lớn nhất tại Nga.
Nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân tại khu chăm sóc tích cực tại một bệnh viện ở Nga. Ảnh: Reuters
Theo lời ông Dmitriev, AstraZeneca đang chuyển giao toàn bộ quy trình công nghệ và tất cả công thức cho việc tái sản xuất vắc-xin đến Nga. "Tất cả những thứ cần thiết để sản xuất vắc-xin của Anh đã được chuyển đến R-Pharm. AstraZeneca đã ký các cam kết chuyển giao toàn bộ việc sản xuất vắc-xin của Anh cho R-Pharm" - ông Dmitriev tuyên bố. AstraZeneca chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.
Không rõ liệu AstraZeneca có chuyển giao tất cả các công nghệ cần thiết cho Nga để sản xuất vắc-xin Covid-19 không hay thỏa thuận liên quan đến công ty dược phẩm Anh chỉ bao gồm việc gửi kho hạt giống vắc-xin cho các nhà sản xuất.
Trong cuộc đua trở thành nước đầu tiên sản xuất vắc-xin, Nga đang sử dụng một cách tiếp cận bị phản đối ở các nước khác và tuyên bố họ sẽ biết được hiệu quả của vắc-xin chỉ sau 3 tháng thử nghiệm.
Loại vắc-xin này, do RDIF tài trợ và phát triển bởi Viện Gamaleya, đã hoàn thành việc thử nghiệm giai đoạn 1 cho 50 người, tất cả đều là binh sĩ của quân đội Nga. Viện Gamaleya vẫn chưa công bố kết quả.
Ông Dmitriev cho biết các nhà nghiên cứu ở Nga đang thử nghiệm hai loại véc-tơ adenovirus khác nhau để giảm khả năng việc miễn dịch từ trước làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Nga sẽ tiến hành thử nghiệm gai đoạn 3 trên hàng ngàn người Nga cũng như tại Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất vào ngày 3-8.
Cách tiếp cận nhanh chóng của Nga trong việc phát triển vắc-xin rất khác biệt so với Tây Âu và Mỹ, nơi các nhà nghiên cứu thường tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 trong nhiều tháng để kiểm tra sự an toàn và hiệu quả.
Bình luận (0)