Cuộc điều tra trên xuất phát từ đề nghị của 2 đại biểu quốc hội Yevgeny Fyodorov và Anton Romanov.
Họ cho rằng quyết định công nhận các nước khu vực Baltic năm 1991 đã được đưa ra bởi một cơ quan không hề tồn tại trong hiến pháp Liên Xô trước đây.
Ngay tại phiên họp đầu tiên, Hội đồng Nhà nước Liên Xô - cơ quan điều hành nhà nước tạm thời, được thành lập ngày 5-9-1991, bao gồm tổng thống Liên Xô lúc đó là Mikhail Gorbachev và các vị đứng đầu nhà nước 10 nước cộng hòa chưa tuyên bố ra khỏi Liên Xô - đã chính thức công nhận độc lập của các quốc gia Baltic.
Phản ứng trước động thái nêu trên của Tổng Công tố Nga, Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius gọi đó là sự khiêu khích và điều vớ vẩn.
Sự căng thẳng giữa Nga và khu vực Baltic đã dâng cao kể từ khi Nga sáp nhập Crimea và bùng nổ chiến sự ở Đông Ukraine hồi tháng 4-2014 giữa phe ly khai thân Nga và quân đội chính phủ Ukraine.
Tuần trước, Tổng Công tố Nga cũng đã tuyên bố động thái chuyển Crimea từ Nga sang Ukraine vào năm 1954 là bất hợp pháp.
Một diễn biến khác, Ukraine đã quyết định ngưng mua khí đốt của Nga từ ngày 1-7 sau khi thất bại trong cuộc thương lượng nhằm duy trì nguồn cung cấp khí đốt trong 3 tháng lên 6 tháng.
Công ty Năng lượng Ukraine Naftogaz ra tuyên bố nêu rõ: “Bởi vì thỏa thuận bổ sung giữa Naftogaz và Gazprom hết hạn vào ngày 30-6 và các điều khoản cung cấp khí đốt Nga cho Ukraine không được nhất trí tại cuộc đàm phán 3 bên ở Vienna-Áo, Naftogaz quyết định đình chỉ việc mua khí đốt từ công ty Nga”.
Tuy vậy, Naftogaz tuyên bố tiếp tục vận chuyển khí đốt Nga sang các quốc gia châu Âu khác.
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 năm nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga bị ngưng chảy sang Ukraine.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak gọi quyết định trên là sự cố đáng tiếc.
Bình luận (0)