xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghe “con nuôi Fidel” kể chuyện

Dương Ngọc

Với tư cách người phiên dịch được ông Fidel Castro yêu quý đặc biệt, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Đình Bin được mọi người gọi là “con nuôi của Fidel”.

Uyên bác, nhân hậu và giản dị

Từng được phiên dịch cho Chủ tịch Fidel Castro ngay khi còn là lưu học sinh ở Cuba và sau đó là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Havana và ở Bộ Ngoại giao, ông Bin vô cùng đau buồn khi nghe tin lãnh tụ Fidel Castro qua đời.

“Từ khi trở thành cán bộ ngoại giao, những lần được gặp lãnh tụ Fidel càng nhiều và ấn tượng đối với ông trong trái tim tôi ngày một sâu đậm. Ông là lãnh tụ vĩ đại, uyên bác, nhân hậu và giản dị” - ông Bin kể.

Ông Fidel Castro và ông Nguyễn Đình Bin, người được mệnh danh là “con nuôi Fidel”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Fidel Castro và ông Nguyễn Đình Bin, người được mệnh danh là “con nuôi Fidel”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Tôi ấn tượng nhất là chuyến thăm đầu tiên vào tháng 9-1973, sau khi Việt Nam và Mỹ vừa ký kết Hiệp định Paris. Ông Fidel là nguyên thủ nước ngoài duy nhất tới Việt Nam mà yêu cầu đến Cam Lộ (Quảng Trị), vùng đất vừa giải phóng. Lãnh đạo của ta khá chần chừ vì đạn bom, mìn ở khu vực đó còn rất nhiều. Trước sự cương quyết của ông Fidel, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cùng ông đi thăm các chiến sĩ. Ông nói các chiến sĩ hãy mang lá cờ của quân giải phóng cắm vào Sài Gòn và 2 năm sau, ngọn cờ ấy đã tung bay tại Dinh Độc Lập” - ông Bin kể.

Cũng theo ông Bin, ông Fidel rất yêu quý lãnh đạo Việt Nam, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Bác Hồ mất, ông Fidel không trực tiếp sang viếng được nhưng đã cử một đoàn cấp cao đến Hà Nội.

Lãnh tụ Fidel tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… sang thăm một cách hết sức trân trọng và thân thiết. Khi Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị thăm Cuba năm 1967, ông được ông Fidel đích thân lái xe đưa đi thăm nông trường nuôi bò Picadura cạnh Havana. Sau đó, Cuba tặng giống bò, giống gà cho Việt Nam, qua đó thể hiện tâm huyết giúp Việt Nam xây dựng đất nước, phát triển kinh tế.


Ông Nguyễn Đình Bin phiên dịch cuộc gặp giữa ông Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 3-1974. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Đình Bin phiên dịch cuộc gặp giữa ông Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 3-1974. Ảnh tư liệu

Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng của Việt Nam. “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hy sinh cả máu của mình. Tôi là người vinh hạnh dịch câu đó khi ông Fidel nói vào ngày 2-1-1966, tại cuộc mít tinh khổng lồ của 33 vạn dân ở Quảng trường Cách mạng tại Havana. Tôi dịch câu ấy mà rưng rưng trong khi mọi người vỗ tay như sấm. Đây chính là lời nói từ trái tim, không phải lời nói ngoại giao” - ông Bin kể.

Theo ông Nguyễn Đình Bin, ông Fidel rất có tài hùng biện. Ông thường phát biểu liên tục 3-4 giờ, không có giấy tờ chuẩn bị sẵn. Do đó, mỗi khi lãnh tụ Cuba thăm Việt Nam, ông Bin đều phải dịch “đuổi”.

“Lần nào gặp tôi, ông cũng gọi tôi bằng cái tên Cuba, gọi tôi với đại từ thân thiết nhất để gọi người thân trong gia đình. Có thể dịch là “con” - ông Bin xúc động. Ông nói thêm Chủ tịch nước Trần Đại Quang có lẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài cuối cùng được gặp ông Fidel khi Chủ tịch nước thăm Cuba ngày 15-11 vừa qua.


Ông Fidel đích thân lái xe đưa Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị thăm nông trường nuôi bò ở Cuba vào tháng 7-1967. Ảnh tư liệu

Ông Fidel đích thân lái xe đưa Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị thăm nông trường nuôi bò ở Cuba vào tháng 7-1967. Ảnh tư liệu

Người truyền niềm tin

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh đối với thế hệ ông, lãnh tụ cách mạng Fidel Castro là biểu tượng cho Cuba - một quốc gia kiên cường trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Chính vì thế, ở những năm 1970, biểu tượng Fidel là sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam.

Điều đặc biệt hơn nữa là lãnh tụ Fidel Castro đã tới Việt Nam vào năm 1973, thời điểm sau khi Hiệp định Paris ký kết, đánh dấu cột mốc quan trọng trên bước đường thống nhất đất nước của chúng ta. Sau này, ông thăm Việt Nam thêm 2 lần vào các năm 1995 và 2003.

Có thể thấy, vị huyền thoại cách mạng qua đời vào thời điểm có nhiều chuyển biến, quan trọng hơn cả là việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Điều này thể hiện sự kiên cường của Cuba, trải qua một giai đoạn trường kỳ đấu tranh giữ vững chủ quyền, đường lối cách mạng. “Cá nhân tôi cho rằng ý chí cách mạng của ông có thể truyền niềm tin cho nhiều thế hệ” - nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo