Ngoại trưởng Bolivia David Choquehuanca kịch liệt phản đối nghi vấn Snowden, người tiết lộ các chương trình do thám của Mỹ, có mặt trên máy bay. “Không rõ ai tung tin thất thiệt nhưng chúng tôi lên án sự đối xử bất công này đối với máy bay của Tổng thống Evo Morales” – đài Russia Today dẫn lời ông Choquehuanca.
Có mặt trên chuyến bay, Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia Ruben Saavedra cũng tỏ ra giận dữ trên đài CNN: “Đây là một sự dối trá do chính phủ Mỹ dựng lên. Đó là sự xúc phạm, lăng mạ và vi phạm các công ước cũng như thỏa thuận về vận chuyển hàng không quốc tế”.
Bộ Ngoại giao Áo sau đó xác nhận Snowden không có trên máy bay. Áo đã từ chối đơn xin tị nạn của Snowden, trong khi Bolivia chưa có câu trả lời chính thức. Dù vậy, Tổng thống Morales tuyên bố sẵn sàng xem xét cho “người thổi còi” tị nạn. Ông vừa tới Nga để tham dự hội nghị các nước xuất khẩu khí đốt lớn.
Tổng thống Bolivia Evo Morales tại sân bay Vienna sáng 3-7. Ảnh: Reuters
Chiếc máy bay của tổng thống Bolivia tại Vienna. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin AP, trước đó, chiếc máy bay bị Pháp và Bồ Đào Nha từ chối cho bay qua không phận ngày 2-7 nên phải chuyển hướng sang Áo. Ngoại trưởng Choquehuanca cho biết nhờ chính phủ Tây Ban Nha cho phép tiếp nhiên liệu nên chiếc máy bay Falcon mới bay tiếp được đến Vienna. Ông Choquehuanca tố cáo quyết định của Pháp và Bồ Đào Nga “gây nguy hiểm cho tính mạng” tổng thống Bolivia.
Sự cố ngày 2-7 khiến Ecuador đề nghị Liên đoàn Các nước Nam Mỹ (Unasur) họp khẩn cấp. Ngoại trưởng Venezuela Elias Jaua cũng góp lời chỉ trích: “Tất cả các nước không cho phép máy bay chở người tổng thống anh em của chúng tôi Evo Morales đều phải chịu trách nhiệm về tổn hại đối với tính mạng và danh dự tổng thống”.
Việc Pháp và Bồ Đào Nha từ chối cho bay vào không phận đối với một nguyên thủ của quốc gia không đối địch cho thấy triển vọng thoát khỏi bế tắc hiện nay của Snowden rất tối tăm.
Tính đến nay, trong số tổng cộng 21 đơn xin tị nạn, Snowden đã tự rút đơn ở Nga. Đã có 9 nước từ chối, gồm 4 nơi từ chối thẳng thừng là Phần Lan, Brazil, Ba Lan, Ấn Độ và 5 quốc gia tuyên bố không thể nhận đơn xin tị nạn nộp từ nước ngoài, gồm Tây Ban Nha, Na Uy, Ý, Ecuador và Áo.
Những nước còn lại chưa lên tiếng gồm Bolivia, Trung Quốc, Cuba, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Hà Lan, Nicaragua và Thụy Sĩ.
Con đường tị nạn hẹp dần với Snowden. Ảnh: Reuters
Tổng thống Venezuela Nicholas Maduro cho biết chưa nhận được đơn của Snowden nhưng vẫn tỏ ra ủng hộ người này. Trả lời đài Russia Today, ông nói quyết định cho Snowden tị nạn hay không thuộc về người dân Venezuela.
“Nếu Snowden đơn độc, anh ta sẽ bị tiêu diệt. (…) Anh ta đang cố chống lại sự kiểm soát đối với các nước yếu thế. Đó là lý do chúng tôi chia sẻ quan điểm của chàng trai trẻ này và khẳng định bảo vệ Snowden cũng tức là bảo vệ hòa bình” – ông nhấn mạnh.
Bình luận (0)